Thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục

Là địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước, tỉnh Đồng Nai tập trung đông lao động nhập cư và kéo theo nhu cầu học tập của con em công nhân lao động rất lớn. Trước áp lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp, quy mô sĩ số học sinh trong lúc dân số cơ học tăng nhanh, ngoài việc tăng cường tỷ lệ điều tiết nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giáo dục, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, thu hút nhiều nhà đầu tư tâm huyết chung tay cùng cấp ủy, chính quyền chăm lo sự nghiệp trồng người.
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết học ngoại khóa tại Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Á Châu, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Một tiết học ngoại khóa tại Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Á Châu, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Năm học vừa qua, mạng lưới trường ngoài công lập ở Đồng Nai đã đáp ứng chỗ học cho 144.593 học sinh các cấp, chiếm tỷ lệ khoảng 19% số học sinh toàn tỉnh. Với tổng số 3.426 lớp học, 7.052 chỉ tiêu giáo viên, hệ thống trường ngoài công lập ở Đồng Nai đã góp phần giảm chi ngân sách.

Giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập

Trường trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa đóng trên địa bàn xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, được thành lập năm 2006 với 100% vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Khi ra đời, trường có 13 lớp với quy mô 500 học sinh khối lớp 10. Đến nay, sau 18 năm, trường đã phát triển cả ba cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông, với quy mô 7.500 học sinh năm học 2023-2024, trở thành một trong những trường ngoài công lập lớn nhất ở Đồng Nai. Thầy giáo Lê Xuân Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nằm ở địa bàn có nhiều khu công nghiệp lớn, học sinh của trường chủ yếu là con công nhân lao động. Để chia sẻ với phụ huynh, trường áp dụng mức thu học phí thuộc nhóm thấp nhất trong các trường ngoài công lập tại Đồng Nai, cụ thể là một triệu đồng/tháng/học sinh, cộng thêm 500 nghìn đồng đối với trường hợp bán trú.

Tại thành phố Biên Hòa, hệ thống giáo dục Á Châu đi vào hoạt động từ năm 2018 với quy mô 1.000 học sinh và nhanh chóng tăng lên 3.000 học sinh ở ba cấp học như hiện tại. Đại diện nhà trường khẳng định, thuận lợi nhất trong quá trình đầu tư xã hội hóa giáo dục là chính sách nhất quán, rõ ràng và sự quan tâm, hướng dẫn nhiệt tình từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai. Từ đó, nhà trường có thể triển khai các kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản nhằm phát triển bền vững. Đặc biệt, trong lộ trình xã hội hóa, trường nhận được sự tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn của Quỹ đầu tư phát triển Đồng Nai với các khoản cho vay lãi suất cố định.

Thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục ảnh 1

Trường mầm non Ngôi Sao vừa được đưa vào sử dụng tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa.

Thời gian qua, Đồng Nai đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với các dự án giáo dục, xuất hiện các cơ sở giáo dục ngoài công lập đào tạo theo giáo trình quốc tế, cấp bằng tú tài quốc tế. Bên cạnh các nhà đầu tư, mô hình công ty, doanh nghiệp tự giác thực hiện xây dựng, đưa vào hoạt động trường mầm non phục vụ con em công nhân đã bước đầu phát huy hiệu quả. Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, toàn tỉnh hiện có 188 trường từ cấp mầm non đến trung học phổ thông được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, chiếm 20,6% tổng số cơ sở giáo dục toàn tỉnh (cao hơn mức chung của cả nước là 6,68%). Tỷ lệ trường, lớp được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa ở Đồng Nai thuộc tốp cao của cả nước đã góp phần quan trọng giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập, bớt gánh nặng ngân sách.

Minh bạch cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư

Vào đầu mỗi năm học, vấn đề trường, lớp luôn luôn “nóng” vì cơ sở vật chất không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học, trở thành nỗi trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Thậm chí, vài năm trước, tại một số phường đông người nhập cư của đô thị loại 1 Biên Hòa vẫn diễn ra tình trạng học sinh phải học ca ba. Phát biểu kết luận hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần gần đây nhất, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh phải ưu tiên bố trí nguồn lực để kéo giảm sĩ số học sinh trong các lớp, các địa phương nếu phát hiện tình trạng sĩ số lớp hơn 40 học sinh thì phải mở thêm trường, lớp, tiến tới mục tiêu không còn lớp hơn 40 học sinh.

Trước thực tế nêu trên, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục được xác định là giải pháp căn cơ. Tháng 5 vừa qua, Trường mầm non Ngôi Sao được đưa vào sử dụng tại phường Long Bình Tân, một trong những phường đông dân nhất thành phố Biên Hòa và luôn đối mặt tình trạng quá tải trường, lớp. Trường có khả năng tiếp nhận 500 em, với cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại và không gian xanh thoáng mát. Chủ tịch Hội đồng nhà trường Hoàng Thị Thu Hằng cho biết: Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đơn vị đầu tư xây dựng môi trường học tập chất lượng cao, trang bị đầy đủ thiết bị, công nghệ tiên tiến, có thể đáp ứng nhu cầu khám phá, tự do học tập sáng tạo, phát triển toàn diện thể chất, kiến thức và rèn luyện phẩm chất đạo đức cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, các dự án xã hội hóa giáo dục không thuộc trường hợp Nhà nước tổ chức thu hồi đất, mà nhà đầu tư phải trực tiếp thỏa thuận với chủ sử dụng đất để có mặt bằng sạch. Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay: Quá trình này thường gặp khó khăn, dẫn đến tiến độ dự án bị kéo dài.

Là mô hình giáo dục ngoài công lập ra đời sớm nhất ở Đồng Nai vào năm 1997, Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa hiện có 22 lớp học bậc trung học phổ thông, tăng gần ba lần so với quy mô ban đầu. Ông Phan Tuấn Lâm, Chủ tịch Hội đồng nhà trường cho hay: Dù rất muốn nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất hơn nữa, nhưng diện tích đất hạn hẹp nên chưa làm được. “Quá trình đầu tư giáo dục, chúng tôi luôn nhận sự đồng hành của ngành giáo dục và địa phương.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất là quỹ đất không thể đáp ứng mong muốn mở rộng quy mô phát triển của nhà trường. Ngay cả khu vực ngoại ô đô thị Biên Hòa, tìm một diện tích đất phù hợp để xây trường cũng rất nan giải”, ông Lâm nói. Trong khi đó, một số địa phương có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với hệ thống trường công lập, cho nên thiếu quyết liệt, chưa hỗ trợ đúng mức phát triển xã hội hóa giáo dục. Do đó, kết quả xã hội hóa giáo dục mang lại chưa đồng đều ở các địa phương, thường trội hơn ở các địa bàn kinh tế phát triển, khu đô thị và càng hạn chế, gặp khó ở cấp tiểu học, trung học cơ sở.

Thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục ảnh 2

Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa, có số lượng học sinh lớn nhất tỉnh Đồng Nai với hơn 7.500 em.

Để cải thiện bức tranh giáo dục-đào tạo, nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào vận hành, khai thác trong tương lai gần, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy tiến độ xã hội hóa giáo dục các cấp học, đào tạo nghề. “Cần xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương xã hội hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới với sự công khai, minh bạch về cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực phát triển xã hội. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên các khu đất ở vị trí thuận lợi, chính sách thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư chung tay chăm lo mảng giáo dục”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trương Thị Kim Huệ cho biết thêm: Đơn vị đã chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 881/QĐ-UBND ngày 4/4/2024 về việc phê duyệt danh mục các dự án đầu tư để mời gọi nhà đầu tư quan tâm thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 47 danh mục công trình thuộc về giáo dục đã phù hợp các loại quy hoạch, sẵn sàng cho việc xem xét, đề xuất phương án đầu tư. Song song đó, từ đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 38 thống nhất mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án thực hiện xã hội hóa. Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết về việc quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thông qua chế độ hỗ trợ cho học sinh mầm non là con của công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp; chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non tư thục trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là con công nhân, người lao động và chế độ hỗ trợ một số trang, thiết bị dạy học cho các trường mầm non tư thục. Để hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho các trường ngoài công lập, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên các trường, nhóm lớp mầm non.

Bên cạnh đó, đề án quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 đã kiến tạo không gian xứng tầm cho lĩnh vực giáo dục-đào tạo để hình thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia, phát triển các mô hình giáo dục-đào tạo mới trên nền tảng số. Trong đó, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa vẫn là giải pháp trước tiên được tính đến.