Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng

Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng và Kế hoạch của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đang chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành cụ thể đối với từng vụ việc thu hồi tài sản, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nội dung ưu tiên thực hiện là rà soát đề xuất, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc chức năng nhiệm vụ; qua đó đánh giá, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập, vướng mắc pháp luật trong thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án; quy chế phối hợp trong truy nguyên, truy tìm, kê biên, xử lý tài sản kê biên...

Nhiều giải pháp quyết liệt

Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với xác định các nội dung cần thiết để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Tập trung chỉ đạo, xử lý giải quyết dứt điểm các vụ việc đủ điều kiện thi hành án. Kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, cấp ủy, chính quyền địa phương khi có khó khăn trong công tác phối hợp để xử lý tài sản trên địa bàn; báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự khi có vướng mắc về nghiệp vụ và áp dụng quy định pháp luật trong quá trình xử lý tài sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

Nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn hệ thống thi hành án dân sự đề ra nhiều giải pháp linh hoạt phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Trong sáu tháng đầu năm nay, tổng số việc phải thi hành là 587.739 việc; số có điều kiện thi hành 410.615 việc và đã thi hành xong 202.015 việc, đạt 49,2%. Về tiền, tổng số phải thi hành là hơn 292.475 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành hơn 159.795 tỷ đồng; hiện nay các cơ quan chức năng đã thi hành xong hơn 35.183 tỷ đồng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị sơ kết công tác gần đây, Thứ trưởng Tư pháp Mai Lương Khôi chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong công tác thi hành án dân sự như: kết quả án tín dụng ngân hàng còn thấp; công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, công tác tổ chức cán bộ vẫn còn có lúc có nơi chưa hiệu quả...

Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Một số Cục Thi hành án dân sự còn chưa tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kịp thời theo tiến độ, kế hoạch đề ra; việc xử lý tài sản tại một số địa phương còn chậm, thậm chí có sai phạm (Lâm Đồng) hoặc lúng túng (Đà Nẵng); cách thức tổ chức, triển khai công việc có lúc, có việc còn thiếu bài bản, nền nếp.

Phản ánh từ thực tế cho thấy một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm dẫn đến một số vụ việc có điều kiện thi hành, có giá trị tài sản lớn chưa được tổ chức thi hành dứt điểm do có nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản, như vụ Phạm Công Danh liên quan Sân vận động Chi Lăng, vụ Hứa Thị Phấn liên quan việc thu hồi dự án Bệnh viện đa khoa Phú Mỹ...; công tác phối hợp Tòa án nhân dân trong việc chuyển giao tài liệu, bản án, giải thích, đính chính hoặc trả lời văn bản đề nghị kháng nghị của cơ quan Thi hành án dân sự còn chậm, ảnh hưởng tiến độ xử lý tài sản.

Thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo Ban cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW.

Nội dung kiến nghị là các bộ, ngành tại Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phối hợp các cơ quan Thi hành án dân sự tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thu hồi triệt để các tài sản đã được các cơ quan có thẩm quyền kê biên. Chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để xảy ra tình trạng các vụ việc kéo dài, tài sản để quá lâu không xử lý dẫn đến bị giảm giá trị, hư hỏng, bị lấn chiếm, chiếm dụng trái phép, làm ảnh hưởng quyền lợi của các bên đương sự cũng như chậm tiến độ thu hồi tài sản cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Các cơ quan điều tra tích cực xác minh, truy tìm, kê biên, phong tỏa tài khoản có liên quan người phạm tội; tăng cường động viên, khuyến khích người phạm tội tích cực khắc phục hậu quả ngay từ giai đoạn điều tra; tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các tổ chức quốc tế để xác minh, truy tìm, thực hiện việc tương trợ tư pháp về hình sự đối với tài sản, tài khoản người phạm tội tẩu tán ra nước ngoài.

Theo số liệu báo cáo, về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 715 việc, tương ứng với hơn 9.050 tỷ đồng. Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, toàn hệ thống đã tổ chức thi hành xong 45 vụ việc, hơn 34.974 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết sẽ thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở, đặc biệt là những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, phản ánh, hạn chế phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp; làm tốt công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi hành án dân sự tại Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự, nhất là các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.