Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Hội Khuyến học Việt Nam

NDO -

Nhân dịp Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 và kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập (02/10/1996-02/10/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa có Thư gửi Hội Khuyến học Việt Nam. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Trần Hải)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Trần Hải)

“Kính gửi toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam,

Nhân dân ta có một truyền thống hiếu học thật là cao quý. Nhờ tinh thần ham học hỏi đó, dân tộc ta, nhân dân ta luôn có được sự độc lập, tự cường và liên tục tiến lên cùng thời đại. Nhân dịp Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 và kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập (02/10/1996-02/10/2021), tôi xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học trong cả nước. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Có thể nói, những thành tựu về giáo dục-đào tạo và gián tiếp là những thành tựu về kinh tế mà đất nước ta đạt được đều có vai trò và đóng góp vô cùng ý nghĩa của Hội Khuyến học Việt Nam. Trong một phần tư thế kỷ qua, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Trung tâm cộng đồng học tập”,... đã trở thành tế bào học tập, động viên người người học tập, nhà nhà học tập, xóm làng, cộng đồng dân cư học tập và cả xã hội học tập, vừa góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà vừa xây dựng nền tảng xã hội học tập từ cơ sở, thực hiện nhiệm vụ khuyến học khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và XIII đề ra. Các mô hình đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, thông qua các chương trình hỗ trợ học bổng, trang thiết bị học tập cho học sinh, sinh viên, giáo viên nghèo vượt khó, thi đua dạy tốt, học tốt.

Cán bộ, hội viên của Hội đã luôn chủ động, sáng tạo, tích cực, tâm huyết với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập và cùng với các mô hình học tập đã đóng góp tích cực vào việc xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, dạy nghề ngắn hạn, truyền nghề,... cũng như đóng góp vào Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng đô thị văn minh, tạo điều kiện cho con em cũng như người lớn học tập. 

Cách đây hơn 2 thế kỷ, trong Chiếu Lập học của Vua Quang Trung có đoạn: “Dựng nước lấy việc học làm đầu, trị nước chọn nhân tài làm gốc”. Do đó, khuyến học phải đi với khuyến tài, khuyến tài phải gắn với dụng tài, tức là phải trọng dụng nhân tài. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Giờ đây chúng ta không còn nạn mù chữ nữa nhưng phải không ngừng nâng cao dân trí tương xứng với tầm vóc của thời đại.

Theo ý nghĩa đó, trong 25 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập thường xuyên, học tập suốt đời, “Học không bao giờ cùng”, học cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lịch sử và kinh nghiệm nhiều nước cho thấy không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy tiến bộ xã hội nào diễn ra mà không gắn với những đột phá về giáo dục. Vì vậy, sự năng động, tính tiên phong, những sáng kiến phát triển giáo dục, chấn hưng giáo dục, đề xuất sửa đổi những bất cập trong hệ thống giáo dục... xuất phát từ Hội Khuyến học Việt Nam, sẽ luôn được lắng nghe và nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội.

Trong 2 năm qua, ngành giáo dục Việt Nam đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19. Như trong thư gửi ngành giáo dục nhân ngày khai giảng năm học 2021-2022, Chủ tịch nước đã đề nghị ngành giáo dục, cùng các ngành, các cấp cần lưu ý, có những hành động tương xứng với thực tiễn, áp dụng những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Hội Khuyến học Việt Nam, cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta.

Tôi xin chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới các đại biểu dự Đại hội VI Hội Khuyến học Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học trong cả nước. Với tinh thần đoàn kết, đổi mới và sáng tạo, nhất định Hội sẽ đạt được thành tích to lớn hơn nữa trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, xây dựng môi trường văn hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội nhằm xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp, trở thành nước phát triển vào năm 2045 sánh vai cùng các cường quốc năm châu như ước vọng của Bác Hồ kính yêu.

Thân ái,

Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam”