Phát biểu ý kiến tại Ngày hội, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phong trào đổi mới sáng tạo, đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. Đặc biệt là Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và các Đề án 844, 939, 1665 của Chính phủ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, hỗ trợ phụ nữ, sinh viên khởi nghiệp.
91 năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã làm tốt nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp, giáo dục, vận động thanh niên tham gia công việc chung của đất nước với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”.
Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ cả nước đã phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, sớm thích nghi với điều kiện mới, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, tiên phong, xung kích, sáng tạo, dấn thân, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.
Điểm lại một số nhiệm vụ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo cũng như những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, có phần nhiều hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng nguồn nhân lực mạnh cả về số lượng và chất lượng theo tinh thần lấy tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Theo đó, phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy; thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng.
Nhà trường, các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường; khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; đổi mới sáng tạo ngành giáo dục để tăng cường hiệu quả khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế. Các địa phương cần từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững.
Trung ương Đoàn cần có giải pháp tạo môi trường, tăng cường truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; xây dựng giải pháp hỗ trợ tài năng trẻ trong khởi nghiệp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ quốc gia hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp.
Năm nay, Ngày hội có các hoạt động chính: phiên đối thoại chính sách “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - Vai trò của nhà trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và địa phương”, Diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và tiềm năng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên theo nhóm ngành”, chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV”.
Trong đó, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV” là điểm nhấn của Ngày hội, được triển khai trên phạm vi cả nước với sự tham gia của 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Dành cho học sinh, sinh viên từ 12-24 tuổi, Cuộc thi được phát động từ tháng 4/2021, ghi nhận gần 400 dự án gửi dự thi. Trong đó, 70 dự án đã lọt vào chung kết.
Tại Ngày hội, đáng chú ý còn có khoảng 140 gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và 1 số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ; công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch; tài chính, ngân hàng; kinh doanh tạo tác động xã hội…