Liên thông dữ liệu ứng dụng phòng, chống dịch: Cần thêm thời gian

NDO -

Chậm cập nhật dữ liệu quản lý online, loạn các ứng dụng phòng, chống dịch như khai báo y tế, khai báo truy vết… các dữ liệu chưa được liên thông khiến cho nhiều người dân băn khoăn khi phải khai báo thông tin trên nhiều ứng dụng khi đến các nơi khác nhau. 

Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phát huy hiệu quả phòng, chống dịch thời gian qua.
Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phát huy hiệu quả phòng, chống dịch thời gian qua.

Chậm cập nhật, ứng dụng chưa liên thông

Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được đưa vào sử dụng để phục vụ khai báo y tế, truy vết, khai báo nhập cảnh, tiêm chủng vaccine…

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, mỗi ứng dụng công nghệ thông tin đều có mục đích khác nhau: Khai báo y tế tự nguyện NCOVI dành cho người dân khai báo y tế khi di chuyển trong nước và di chuyển nội địa trên tokhaiyte.vn (Vietnam Health Decralation); Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm...

Ngoài ra còn có các ứng dụng An toàn Covid (antoancovid.vn) để các cơ sở đông người trước mắt là trường học, cơ sở khám chữa bệnh khai báo và công bố an toàn Covid hằng ngày; Hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng: bằng quét QR code thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh: NCOVI, VietNam Health Declaration và Bluezone. Tất cả các địa điểm công cộng đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến, đi bằng QR.

Ngày 8/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã triển khai xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID để phục vụ công dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông.

Việc có nhiều nền tảng, ứng dụng trong cập nhật các thông tin liên quan đến khai báo y tế của người dân khiến cho nhiều người khó hiểu và rối bời.

Anh Hoàng Văn Nam đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine vào cuối tháng 8 vừa qua, tuy nhiên, đến nay trên hồ sơ sức khỏe điện tử của anh vẫn chưa có thông tin về tiêm chủng. “Bệnh viện nói sẽ trả phiếu tiêm chủng về cơ quan và cập nhật dữ liệu, nhưng đến nay thì tôi mới chỉ cầm được phiếu, còn thông tin chưa thấy cập nhật”, anh Nam nói.

Tình trạng chưa có kết quả 2 mũi tiêm trên hồ sơ sức khỏe tiêm chủng gặp ở rất nhiều người. Điều này khá phiền phức khi họ cần phải giải quyết những giấy tờ có liên quan đến các thủ tục chứng minh đã tiêm chủng khi không may thất lạc giấy chứng nhận.

Rõ ràng, việc đồng bộ trên nền tảng dữ liệu tiêm chủng quốc gia đang gặp khó ở nhiều địa phương. Theo một số cán bộ thực hiện việc nhập dữ liệu, có nhiều rắc rối và thao tác trong quá trình nhập liệu vì việc sử dụng phần mềm quản lý tiêm chủng Sổ sức khoẻ điện tử mới được triển khai từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, trong khi những mũi tiêm đầu tiên cho các đối tượng ưu tiên ngoài nhân viên y tế đã diễn ra từ giữa và cuối tháng 5. “Hiện nay chúng tôi chưa thể cập nhật được hết dữ liệu này lên hệ thống”, một cán bộ cho biết.

Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, nền tảng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mới hoạt động từ ngày 12/7, nên những đơn vị triển khai tiêm sớm sẽ chưa cập nhật được dữ liệu lên hệ thống dẫn tới việc người dân dù đã hoàn thành mũi tiêm nhưng không có chứng nhận trên cổng thông tin tiêm chủng hay ứng dụng sổ sức khỏe điện tử.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ sở tiêm chưa hoàn toàn sử dụng phần mềm quản lý nên dữ liệu tiêm chưa được cập nhật trên hệ thống.

Bên cạnh tình trạng chậm cập nhật dữ liệu quản lý online, việc người dân cũng đang bức xúc khi phải thực hiện khai báo thủ công khi lưu thông ngoài đường.

“Trước khi đi tiêm ở một cơ sở y tế, tôi được hướng dẫn khai báo y tế online. Tuy nhiên, khi đến nơi, bệnh viện yêu cầu tôi lại tiếp tục phải khai báo bản giấy. Vậy việc khai báo online không có ý nghĩa gì, phát sinh thêm phiền phức cho người đi tiêm?”, anh Đào Trọng Hậu nói.

Tại các chốt kiểm soát ra vào “vùng xanh” của nhiều tổ dân phố cũng bắt đầu triển khai dán mã QR để người dân quét mã khai báo y tế. Nhưng nhiều người vẫn loay hoay chưa biết sử dụng mã này thế nào. Nguyễn Hoàng cho biết, anh đã thử quét mã QR để khai báo y tế, tuy nhiên, các dữ liệu không hiện gì để anh có thể khai báo.

Cần có thêm thời gian để liên thông dữ liệu

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc BKAV, thành viên Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, 2 năm qua, để đối phó với diễn biến của dịch Covid-19, Chính phủ khuyến khích các công ty, tập đoàn cùng tham gia chống dịch bằng những ứng dụng công nghệ khác nhau, phù hợp cho từng đối tượng.

Vì thế, dựa trên nhu cầu và thế mạnh của đơn vị, mỗi nơi xây dựng một phần mềm riêng và cũng đã phát huy được hiệu quả trong từng thời điểm. Đầu năm 2021, BKAV cũng là đơn vị tham gia rất tích cực với công việc này.

Tuy nhiên, sự bất cập ở đây vì có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch nhưng lại thiếu đi sự kết nối, liên thông. “Các ứng dụng này cần phải có sự thống nhất theo một thiết kế bài bản và phải có kiến trúc sư trưởng”, ông Quảng nói.

Cuối tháng 5, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập để thực hiện việc chuẩn hóa các dữ liệu ở các ứng dụng này. 3 tháng qua, trung tâm đã có nhiều lần họp giữa các đơn vị cung ứng các ứng dụng phòng, chống dịch và đã đi đến được kết quả tương đối khả quan trong thống nhất các nội dung dữ liệu liên thông.

“Chúng tôi cũng đã hình thành nền tảng cốt lõi, từ đó kết nối các công ty, các giải pháp khác nhau nhưng chưa thể đồng bộ hết vì khối lượng dữ liệu rất khổng lồ. Chưa kể bên cạnh đó, vẫn có bộ, ngành phát sinh các ứng dụng mới nên chúng tôi cần có thời gian để thống nhất với nhau”, ông Quảng cho hay.

Tuần trước, Trung tâm đã tổ chức hội thảo để hướng dẫn các địa phương triển khai nền tảng lấy mẫu xét nghiệm. Cuối tuần này, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục có thêm buổi hội thảo khác để hướng dẫn các địa phương triển khai việc truy vết qua quét mã QR.

Tới đây, ông Quảng cho biết sẽ tích hợp nhiều dữ liệu vào ứng dụng Bluezone như quét mã QR, khai báo y tế, quản lý tiếp xúc gần, hỗ trợ người dân trong tham gia lấy mẫu xét nghiệm, kết nối với những ứng dụng khác như VHD của Viettel quản lý trong quản lý cách ly nhập cảnh; hệ thống tiêm chủng.

“Vừa qua, Hà Nội tìm được 40% ca F0 qua khai báo trên phần mềm Bluezone và khai báo y tế. Thậm chí, phần mềm còn tìm được các ca vãng lai, giúp chặn các ổ dịch hiệu quả. Khi ứng dụng xét nghiệm được liên thông, chỉ cần phát hiện ca dương tính, thông tin tự động báo với đội truy vết ngay lập tức tiến hành khoanh vùng ổ dịch, không phải cách ly quá rộng. Việc truy vết này rất nhanh, chỉ tính bằng phút thay vì tính bằng ngày như trước”, ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, để có cuộc sống chung bình thường mới với biến chủng Delta chắc chắn phải có công nghệ. Quét mã QR hiện nay là công cụ rất tiện lợi để truy vết.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan