Bản đồ số các điểm bán hàng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh

NDO -

Từ danh sách gần 3.000 địa điểm bán các mặt hàng thiết yếu do TP Hồ Chí Minh giới thiệu, hai chàng trai đã xây dựng một bản đồ số cho thiết bị di động nhằm hướng dẫn người dân tìm được thứ cần thiết một cách nhanh chóng trong thời gian thực hiện giãn cách.

Hai tác giả bản đồ số hóa địa điểm bán các mặt hàng thiết yếu Trần Thanh Tuấn (bên phải) và Nguyễn Hữu Đạt.
Hai tác giả bản đồ số hóa địa điểm bán các mặt hàng thiết yếu Trần Thanh Tuấn (bên phải) và Nguyễn Hữu Đạt.

Hai chàng trai đó là Trần Thanh Tuấn, tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Hữu Đạt, tốt nghiệp ở Nhật Bản, hiện đang làm việc tại một công ty chuyên thiết kế trang web.

Dù sáng kiến của hai kỹ sư công nghệ thông tin trẻ tuổi còn chưa được đặt tên, nhưng đã được tích hợp gần 3.000 địa điểm bán các mặt hàng thiết yếu với nhiều thông tin hữu ích như địa điểm, thời gian hoạt động, thông tin liên lạc, hình thức giao hàng, tình trạng mở cửa thực tế...

Người dân chỉ cần sử dụng máy tính hoặc thiết bị di động để truy cập trang web tại địa chỉ https://diembanhangthietyeu.com là có thể nắm rõ nơi có sẵn hàng hóa cần mua. Nếu người dùng đồng ý chia sẻ vị trí, bản đồ sẽ chỉ ra những nơi có hàng gần nhất cũng như lộ trình đến mua hàng.

Các cửa hàng hiển thị trên bản đồ số còn được tách riêng theo từng phường/xã, quận/huyện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua sắm nhanh chóng, hạn chế thời gian có mặt ngoài đường trong giai đoạn hiện nay.

Bản đồ số các điểm bán hàng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh -0
 Giao diện của bản đồ số hóa tại địa chỉ https://diembanhangthietyeu.com.

Dữ liệu của bản đồ số được lấy từ “Danh sách điểm bán các mặt hàng thiết yếu (lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay) của hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (cập nhật ngày 7/7/2021)” do các cơ quan chức năng triển khai đến người dân.

Danh sách này có tới 111 chợ, 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi, nhưng lại trình bày theo định dạng Microsoft Excel, khiến nhiều người dân khó nắm bắt, tìm kiếm.

Theo hai tác giả Trần Thanh Tuấn và Nguyễn Hữu Đạt, bản đồ được xây dựng theo hướng “mở”. Người dùng có thể gợi ý chỉnh sửa những thông tin chưa đúng hoặc cập nhật tình hình hoạt động, địa điểm của các cửa hàng.

“Mục đích duy nhất của tôi là giúp người dân dễ dàng tiếp cận những nơi bán hàng thiết yếu. Sau thời gian giãn cách, bản đồ số của chúng tôi có thể chuyển đổi thành nơi cập nhật thông tin các địa điểm từ thiện, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn như phát đồ ăn miễn phí chẳng hạn”, Trần Thanh Tuấn nói.

Quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh