Trong những năm qua, du lịch tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển khá, với lượng khách tăng hằng năm. Năm 2023, tỉnh đón hơn 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 5.000 lượt khách quốc tế thì năm 2024, tổng lượt khách đạt 2,3 triệu, trong đó khách quốc tế 8.500 lượt, đứng thứ hai sau Lâm Đồng về lượt khách đến trong khu vực Tây Nguyên.
Sự phát triển của ngành du lịch đã mang lại những chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương; đồng thời, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kon Tum đã công nhận 13 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Hiện địa phương đang khảo sát, đánh giá để công nhận thêm các điểm du lịch mới, góp phần mở rộng các loại hình du lịch, tăng sức hấp dẫn của Kon Tum đối với du khách trong và ngoài nước.
Gia Lai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trong 6 tháng đầu năm 2025
Theo Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 17.183 hộ nghèo, 9.469 hộ cận nghèo. Năm 2025, tỉnh dự kiến hỗ trợ xây mới, sửa chữa 8.178 căn nhà (xây mới 6.441 căn, sửa chữa 1.737 căn), triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh bảo đảm hoàn thành cả 3 chương trình, gồm hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.
Trong đó, ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước. Định mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/hộ khi xây mới, 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa; tổng nhu cầu kinh phí là 438,57 tỷ đồng. Tỉnh Gia Lai phấn đấu hoàn thành chương trình trong 6 tháng đầu năm 2025.
Lâm Đồng có 116 mã số vùng trồng
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, hiện toàn tỉnh đã được cấp 116 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 5.597 ha. Trong đó, 114 vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 5.489 ha, chiếm 60,2% tổng diện tích kinh doanh trồng thuần; 2 vùng trồng chanh leo với diện tích 111 ha, chiếm 11,7% tổng diện tích kinh doanh và 10 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu, với tổng diện tích nhà xưởng hơn 13.500 m2.
Tỉnh còn có 62 hồ sơ cấp mã số vùng trồng gửi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và đang chờ phê duyệt, với tổng diện tích hơn 2.284 ha. Trong đó, có 56 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 2.093 ha, 1 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng khoai lang với diện tích 9 ha và 5 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 182 ha.
Đắk Nông dành 659 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Năm 2025, Đắk Nông dự kiến phân bổ khoảng 659 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phân bổ hơn 281 tỷ đồng, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 5% trở lên và có 7 xã, 72 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững dự kiến phân bổ hơn 80 tỷ đồng, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 2% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự kiến bố trí hơn 297 tỷ đồng; phấn đấu trong năm 2025, có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí nông thôn mới.
Đắk Lắk tăng cường quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
Dự báo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo sẽ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành công văn đề nghị các cấp, các ngành liên quan tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đến quần chúng nhân dân.
Công an tỉnh Đắk Lắk thu giữ nhiều loại vũ khí từ nhân dân. |
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; thường xuyên phối hợp lực lượng công an trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực này.