Thông tin mới

Hai nhà đầu tư đề xuất khai thác tín chỉ các-bon từ rừng tại Lâm Đồng
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ che phủ rừng tại Lâm Đồng đạt 54,5%.
Tỷ lệ che phủ rừng tại Lâm Đồng đạt 54,5%.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xem xét đề xuất của 2 nhà đầu tư về việc cho phép được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án “xác lập, khai thác tín chỉ các-bon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng”.

Các nhà đầu tư gồm Công ty TNHH Đầu tư FDI Việt Nam và Văn phòng đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Lâm (đều có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án với 2 nội dung: Được hợp tác với các chủ rừng, hoặc với các đơn vị quản lý rừng không bị xâm hại trong vòng 10 năm và nằm ngoài thỏa thuận với LEAF/Emergent, để xác lập và khai thác tín chỉ các-bon đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ của Lâm Đồng; với rừng sản xuất, nhà đầu tư sẽ đưa ra các khuyến nghị, đề xuất và hợp tác để các chủ rừng nâng cao thu nhập và có thể khai thác được tín chỉ các-bon trong tương lai.

Đến cuối năm 2023, Lâm Đồng có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 537.000 ha; trong đó, rừng đặc dụng hơn 84.000 ha, rừng phòng hộ hơn 147.000 ha và rừng sản xuất hơn 306.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,5%.

Đắk Lắk đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa triển khai Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2024-2026. Theo Đề án, giai đoạn 2024-2026, tỉnh phấn đấu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của tỉnh, đặc biệt là lực lượng thanh niên, bộ đội xuất ngũ, sinh viên, học viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…, giúp người lao động có việc làm ổn định, tiến tới việc làm bền vững, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đưa chỉ tiêu cụ thể vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị; phân công trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị làm công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo đảm hiệu quả…

Hợp tác xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc

Hợp tác xã Minh Phát Farms (Tổ 1, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) và Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk (thôn Tân Lập, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) vừa ký kết “Hợp tác xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc”. Theo đó, 2 đơn vị phối hợp tổ chức các biện pháp tiêu thụ sản phẩm sầu riêng cho nông dân theo đúng thỏa thuận và phù hợp với thời gian thu hoạch. Theo đó, Hợp tác xã Minh Phát Farms sẽ giới thiệu và thông báo cho Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk về địa điểm vườn, diện tích trồng sầu riêng thực tế, sản lượng và thời gian thu hoạch; Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk phụ trách nguồn lực để thực hiện dịch vụ thu hoạch sầu riêng và nhân công bắt hàng.

Thông tin mới ảnh 1

Đại diện hai hợp tác xã ký kết hợp tác xuất khẩu sầu riêng.

Theo chương trình hợp tác, 2 đơn vị sẽ hỗ trợ người dân thị trấn nói riêng, huyện Chư Prông nói chung được tiếp cận các quy trình sản xuất sầu riêng bền vững; đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho hộ trồng sầu riêng trên địa bàn.

Ngay sau lễ ký kết, 30 hộ dân có vườn sầu riêng được ngành chức năng huyện Chư Prông và Hợp tác xã Minh Phát Farms hướng dẫn trồng theo hướng VietGAP đã đăng ký bán sản phẩm sầu riêng cho Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk, với tổng số trên 700 tấn và dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Chủ động phòng chống dịch bệnh để bảo vệ đàn vật nuôi

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định. Cùng với việc mở rộng, nâng cao số lượng đàn vật nuôi, từng bước hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa, tập trung, ngành nông nghiệp và các địa phương chú trọng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng của người dân trong phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh dịch tả lợn châu Phi…; tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện vệ sinh an toàn thú y đối với các cơ sở giết mổ, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai hiệu quả Tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắc-xin để nâng cao kháng thể cho đàn vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh.

Đến nay, địa phương đã tổ chức phun 4.500 lít hóa chất tại các hộ chăn nuôi, khu vực giết mổ, bày bán động vật, sản phẩm động vật. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai cấp gần 8.000 liều vắc-xin lở mồm long móng trâu, bò cho huyện Tu Mơ Rông để triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc; hướng dẫn huyện Sa Thầy tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo.