Tham dự và chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tọa đàm có sự tham dự của các đồng chí đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công thương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông; Hội Nông dân tỉnh Gia Lai; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Gia Lai, Hiệp hội nữ doanh nhân tỉnh Gia Lai; đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai; đại diện lãnh đạo các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xuất khẩu.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. |
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Gia Lai là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD, năm 2021 đạt 630 triệu USD, 2022 đạt 660 triệu USD, năm 2023 đạt 680 triệu USD, năm 2024 ước đạt 750 triệu USD.
Hiện Gia Lai có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu (chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) tiêu thụ phần lớn mặt hàng cà phê nhân xô, sản phẩm gỗ... Thị trường châu Á chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu với các quốc gia: Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... tiêu thụ chủ yếu cao su, sắn lát, cà phê, sản phẩm gỗ.
Ngoài ra, Gia Lai đã có hơn 310 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, có khả năng xuất khẩu như: Cà-phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh...
Mặc dù thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, xuất khẩu ngành nông sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn những khó khăn, thách thức nhất định.
Tọa đàm là cơ hội để các nhà doanh nghiệp, quản lý cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm biến tiềm năng thành lợi thế xuất khẩu nông sản. |
Với 20 tham luận của các Bộ, ngành, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, tại Hội thảo các đại biểu đã cùng trao đổi, phân tích, đánh giá, làm rõ những thuận lợi, khó khăn từ những đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Gia Lai đối với phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những loại cây trồng chủ lực và có lợi thế cạnh tranh, mang lại giá trị kinh tế lớn;đánh giá cụ thể về thế mạnh trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai theo từng vùng, từng địa phương.
Các đại biểu cũng tập trung đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của vùng; so sánh thế mạnh của nông sản Gia Lai so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và trong sự phát triển chung của cả nước; hoạt động liên kết để khai thác tiềm năng, tăng thêm nguồn lực; vấn đề xuất khẩu nông sản của Gia Lai thời gian qua, thuận lợi, khó khăn và giải pháp tháo gỡ...
Cùng với các báo cáo, tham luận, các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản đồng thời kiến nghị những giải pháp phù hợp, hiệu quả, khả thi nhằm biến tiềm năng thành lợi thế, tạo ra những đột phá trong hoạt động xuất khẩu nông sản của Gia Lai.
Tọa đàm là cơ sở để các ngành, các cấp xây dựng chính sách phù hợp, thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Gia Lai.