Nhà thầu Việt Nam được chọn xây 2 trạm biến áp điện gió ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc)

NDO -

Yushan Energy, công ty con của nhà phát triển năng lượng carbon thấp Enterprize Energy và nhà sản xuất điện độc lập của Canada Northland Power đã chọn Liên danh Semco Maritime và Công ty TNHH Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) của Việt Nam đứng đầu để xây dựng 2 trạm biến áp ngoài khơi thuộc dự án điện gió Hải Long 2 và Hải Long 3.

Nhà thầu Việt Nam được chọn xây 2 trạm biến áp điện gió ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc)

Nằm ngoài khơi bờ biển Đài Loan (Trung Quốc), các dự án này sẽ cung cấp hơn 1 GW năng lượng gió xanh khi đưa vào sử dụng vào năm 2025 - 2026.

Yushan Energy do Enterprize Energy và Mitsui & Co đứng đầu, là nhà đồng phát triển và đầu tư dự án điện gió ngoài khơi Hải Long sở hữu 40%, còn Northland Power sở hữu 60%.

Trong Thỏa thuận nhà cung cấp ưu tiên (Preferred Supplier Agreement – PSA) mới nhất với nhà thầu của Việt Nam, liên danh Semco Maritime và Công ty TNHH Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) sẽ thực hiện các công việc trong phạm vi thiết kế, mua sắm, chế tạo, và chạy thử 2 trạm biến áp ngoài khơi.

Chân đế của trạm biến áp sẽ được sản xuất tại các cơ sở của PTSC M&C ở Vũng Tàu, trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi Việt Nam.

Thỏa thuận PSA này được biết đến là hợp đồng xây dựng trạm biến áp ngoài khơi lớn nhất với một dự án của Đài Loan (Trung Quốc) cho đến nay và là dự án đầu tiên xây trạm biến áp ngoài khơi ở Việt Nam.

Liên danh nhà thầu và Công ty ISC Consulting Engineers sẽ thực hiện dự án từ quý IV năm 2021. Trong đó, kế hoạch lắp đặt ngoài khơi diễn ra vào năm 2024 và đi vào vận hành năm 2026. Semco Maritime sẽ đứng đầu liên danh với PTSC M&C, hợp tác chặt chẽ với Công ty ISC Consulting Engineers với tư cách là nhà thầu phụ chính.

Ông Ian Hatton, người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy và Yushan Energy, cho biết: Đây là một bước quan trọng trong việc chuyển giao trang trại gió ngoài khơi Hải Long, một dự án do Enterprize khởi xướng vào năm 2013. Các công ty cần cam kết lâu dài để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng carbon thấp trong tương lai. Enterprize cũng đã có cam kết như vậy với Trang trại gió ngoài khơi Thăng Long ở phía nam tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.

“Cá nhân tôi tin rằng, các cơ sở chế tạo của Việt Nam ở Vũng Tàu có khả năng cạnh tranh toàn cầu để sản xuất cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở bất kỳ đâu trên thế giới. Enterprize đã cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long ngay từ đầu. Tôi rất vui vì hợp đồng kỹ thuật đầu tiên chế tạo thiết bị lớn đã được triển khai tại Việt Nam đến từ sự phát triển mà chúng tôi đã khởi xướng và thực hiện với các đối tác Northland và Mitsui”.

Trong khi đó, ông Felipe Montero, Giám đốc dự án Hải Long cho biết: “Với Semco Maritime và PTSC M&C, đây là những nhà cung cấp được ưu tiên cho các trạm biến áp ngoài khơi của chúng tôi. Chúng tôi chắc chắn rằng đã tìm được những đối tác tốt nhất có thể để cung cấp một phần hết sức quan trọng trong các dự án Hải Long. Việc ký thỏa thuận PSA này là một cột mốc quan trọng khác của Hải Long trên quy trình hoàn tất các thủ tục tài chính và đi vào hoạt động xây dựng. Chúng tôi rất vui mừng về điều đó và rất kỳ vọng vào hành trình bắt đầu với Semco Maritime và PTSC M&C”.

Ông Frank Holm, Phó Chủ tịch phụ trách Năng lượng tái tạo, thuộc Semco Maritime, cho hay: “Chúng tôi rất vui mừng khi các nhà đầug tư của Hai Long Offshore Wind đã trao cho chúng tôi đơn hàng quan trọng mang tính chiến lược này. Đơn hàng cung cấp cho chúng tôi một chỗ đứng vững chắc trong thị trường gió ngoài khơi sôi động của châu Á, vốn đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các dự án Hải Long và hợp tác chiến lược với đối tác liên danh PTSC M&C cùng các nhà thầu phụ khác”.

Enterprize Energy là nhà phát triển năng lượng carbon thấp, tiên phong giải quyết những thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tại Việt Nam, Enterprize Energy đã kết thúc khảo sát khu vực Thăng Long ngoài khơi mũi Kê Ga (Bình Thuận) và đang đệ trình Chính phủ Việt Nam phát triển dự án Thăng Long Wind để bán điện tại Việt Nam (dự án TLW) với tổng công suất 3,4 GW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; đồng thời phát triển dự án Thăng Long Wind 2 để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen (dự án TLW2) với tổng công suất 2 GW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.