Cách đây không lâu, vào mùa thu năm 2018, Flick đã khăn gói quả mướp tới Paris. Đã bốn năm kể từ khi rời ghế trợ lý cho Joachim Loew ở ĐTQG Đức, ông muốn tìm kiếm một công việc mới. Và để chuẩn bị cho điều đó, Flick nhờ cậy Tuchel, người đồng hương vừa được bổ nhiệm vào vị trí HLV Paris Saint-Germain (PSG).
Trong hai tuần, Flick tham gia vào các buổi tập của PSG ở trung tâm đào tạo Camp des Loges, học hỏi cách thức tổ chức cũng như tham vấn Tuchel về phương pháp huấn luyện, chiến thuật hoặc xử lý bầu không khí trong phòng thay đồ.
Việc Tuchel tới PSG là một câu chuyện dài.
Đầu năm 2018, nhằm chuẩn bị cho sự ra đi của Jupp Heynckes, Ban lãnh đạo Bayern Munich đã nhắm tới Tuchel. CEO Karl-Heinz Rummenigge đã rất ấn tượng với phong cách trẻ trung và sáng tạo của chiến lược gia người Bavaria. Có điều, Chủ tịch Uli Hoeness lại e ngại Tuchel, với tính cách độc lập sẽ dễ xung đột với hệ thống phân cấp ở Allianz Arena.
Trong khi Bayern đang phân vân, PSG lại hành động nhanh chóng. Thông qua một nhà ngoại giao người Qatar ở Đức, cuộc đàm phán diễn ra chóng vánh và Tuchel trở thành HLV thứ tư ở Parc des Princes trong triều đại mang tên Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi.
Khi Rummenigge thuyết phục thành công Hoeness và nhấc máy gọi cho Tuchel thì hợp đồng với PSG đã xong xuôi. Như tất cả đã biết, Bayern vội vã bổ nhiệm Niko Kovac. Phần tiếp theo ở Allianz Arena là nỗi thất vọng. Kovac ra đi sau 490 ngày, để lại một đội bóng mất phương hướng, xuống tinh thần và cạn kiệt ý chí.
Tuy nhiên, lẫn trong đó là một viên ngọc lấp lánh. Chính là Flick, người được Kovac mời vào Ban huấn luyện khi ông này tiếp quản Bayern. Người đàn ông trầm lặng, khiêm tốn, chưa từng phụ trách một đội bóng hàng đầu trước đây rất được lòng phòng thay đồ.
Với ông, các cầu thủ tìm thấy sự đồng cảm, được lắng nghe và tôn trọng, để rồi sớm tìm lại cảm hứng chơi bóng. Từ những cầu thủ trẻ như Alphonso Davies đến các cựu binh Jerome Boateng, Thomas Mueller, rồi David Alaba, Robert Lewandowski và Joshua Kimmich hay những bản hợp đồng thời vụ như Ivan Perisic, Philippe Coutinho, tất cả tái khám phá năng lực bản thân, sau đó chơi mùa giải hay nhất của họ.
Tài năng của Flick cũng không có gì phải nghi ngờ. Theo Lewandowski, “kiến thức chiến thuật và các hiểu biết khác về bóng đá của Hansi rất đáng ngạc nhiên”. Giám đốc thể thao Hasan Salihamidzic thì nói, “Bayern đã chơi rất thuyết phục và tạo dựng bản sắc riêng, tạo nên một đội chơi thứ bóng đá tấn công nhưng vẫn bảo đảm tính cân bằng trong phòng thủ”.
Dưới thời Flick, Bayern đạt tỷ lệ thắng 91,4%, ghi 115 bàn thắng, bình quân 3,2 bàn/trận và chỉ để thủng lưới 26 bàn, tức 0,7 bàn/trận. Không HLV nào trong lịch sử Bayern, kể cả Pep Guardiola đạt được những con số ấn tượng đến vậy.
Sau một thời gian, từ việc được bổ nhiệm tạm thời, Flick được ký hợp đồng chính thức. Và thỏa thuận này cũng sớm bị thay thế bởi thảo thuận khác có thời hạn ba năm. Mùa giải bi đát của Bayern đột nhiên xoay chuyển. Vào tháng 1, Flick nói với các học trò về mục tiêu giành cú ăn ba. Bây giờ, họ đã vô địch Bundesliga, Cúp Quốc gia và chơi trận chung kết Champions League. Nhiệm vụ của Flick chỉ có một: đánh bại người bạn cũ Tuchel.
Khoan nói tới chuyện vô địch hay không, riêng việc Flick đưa Bayern tới chung kết đã là một kỳ tích, mà những người tiền nhiệm danh tiếng như Guardiola, Carlo Ancelotti và cả Jupp Heynckes trong nhiệm kỳ ba đều không thể.
Điều này cũng tương tự Tuchel, khi đưa PSG tới rất gần giấc mơ Champions League mà ông chủ Qatar luôn nghĩ về trong một thập kỷ qua. Trước Tuchel, Ancelotti rồi Laurent Blanc và Unai Emery đều đã thử và thất bại.
Tuchel thành danh sớm hơn Flick nhưng so với những người tiền nhiệm, chỉ là một gã vô danh. Ben Lyttleton, nhà báo có mối quan hệ gần gũi với Tuchel thậm chí mô tả ông “giống chủ quán cà-phê hơn là huấn luyện viên”. Vậy làm thế nào HLV 46 tuổi tạo ra sự khác biệt?
Tuchel là một chiến lược gia hiện đại với phương pháp huấn luyện sáng tạo và cực kỳ tinh vi. Thế nên Flick mới phải ăn chực nằm chờ hai tuần ở Camp des Loges để học hỏi. Nhưng giống như Flick, Tuchel nghĩ rằng có những thứ còn quan trọng hơn trong bóng đá. Nếu Flick coi trọng sự đồng cảm, thì Tuchel quan tâm tới việc khơi dậy động lực và thúc đẩy tiềm năng cầu thủ.
Thí dụ trường hợp Neymar. Vào đầu mùa giải, sau khi phân tích kỹ tưỡng các dữ liệu về những màn trình diễn của siêu sao người Brazil, Tuchel kết luận anh ta chỉ chơi với 60% năng lực. Sau đó, ông ngồi lại với Neymar để tìm hiểu anh ta thực sự mong muốn điều gì trước khi tìm ra hướng đi phù hợp.
Vào thời gian này, tất cả đã thấy một Neymar hoàn toàn khác, liên tục chạy chỗ, tìm bóng, rồi rê dắt, tạo cơ hội cho đồng đội và chính mình. Anh tràn đầy khát khao và sẵn sàng cống hiến đến giọt mồ hôi cuối cùng. Ở hai trận đã qua, dù không ghi bàn nhưng Neymar vẫn xuất sắc nhất với những khoảnh khắc thiên tài. Và PSG, nay không còn là tập hợp những lính đánh thuê triệu phú, mà trở thành một đội ngũ đoàn kết, chung tay chiến đấu vì tham vọng của CLB.
Thành công của Tuchel và Flick là minh chứng cho thấy, đôi khi bóng đá không được quyết định trên sân cỏ mà bởi những thứ rất quan trọng ở hậu trường. Họ không phải những HLV danh tiếng nhưng đủ tinh tế để nhận ra, đủ tài năng để giải quyết và đủ xuất sắc để được tôn vinh.