Anh đang trải qua các đợt nắng nóng gay gắt của mùa hè, nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán đe dọa nguồn cung nước sạch.
Các chuyên gia dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy sẽ xuất hiện nhiều hơn do biến đổi khí hậu.
Chuyên gia cảnh báo rằng thời tiết khô nóng liên tục sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế. Vào mùa hè, hạ tầng tại Anh phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn do nắng nóng, trong khi hoạt động nông nghiệp bị gián đoạn do thiếu nước.
Vào ngày 19/7 vừa qua, Anh đã ghi nhận ngày nóng kỷ lục khi một ngôi làng tại East Midlands của vùng England có nhiệt độ lên tới 40,3 độ C, phá vỡ kỷ lục trước đó là 38,7 độ C ghi nhận vào tháng 7/2019.
Trước đó, Cơ quan thời tiết quốc gia Anh (Met Office) đã lần đầu tiên ban bố cảnh báo đỏ do nóng cực đoan.
Trong thời tiết khô nóng gay gắt, cháy rừng đã bùng phát tại nhiều khu vực. Lực lượng cứu hỏa London gọi ngày 23/8 vừa qua là "ngày bận rộn nhất kể từ Thế chiến thứ hai", khi các nhân viên cứu hỏa phải ứng phó với 1.146 sự cố cháy nổ trên khắp thủ đô. Hỏa hoạn đã thiêu rụi 40 ngôi nhà và cửa hàng.
Tiết trời nắng nóng cũng gây gián đoạn hoạt động giao thông, khi một số tuyến đường sắt phải tạm đóng cửa và công ty đường sắt yêu cầu hạn chế tốc độ.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Grant Shapps nhấn mạnh các tuyến đường sắt được xây dựng từ thời Nữ hoàng Victoria không được thiết kế để chống chịu nhiệt độ cao. Anh sẽ mất nhiều năm mới có thể thay thế được hạ tầng phù hợp.
Trong khi đó, nắng nóng cực đoan cũng khiến mạng lưới điện của Anh chịu nhiều áp lực. Đến cuối thế kỷ này, việc sử dụng điều hòa không khí có thể tăng mức tiêu thụ điện của Anh thêm 15% trong mùa hè.
Nhà phân tích năng lượng tại Watt Logic, Kathryn Porter, cảnh báo xu hướng nắng nóng càng nhiều sẽ khiến lưới điện trong mùa hè chịu áp lực tương đương mùa Đông. Hiện Anh chưa có đủ hạ tầng để ứng phó với những đợt nắng nóng kiểu này.
Vào giữa tháng 8, nhà chức trách đã chính thức tuyên bố tình trạng hạn hán trên khắp vùng England rộng lớn, đồng thời hạn chế sử dụng nước tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi nắng nóng và khô hạn.
Lần gần đây nhất vùng England trải qua hạn hán là vào năm 2018. Khu vực này đang hứng chịu mùa hè khắc nghiệt, với tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1935.
Theo Cơ quan Môi trường Anh, trong tháng này, phần lớn các khu vực đều có lượng mưa thấp ở mức bất thường. Tháng 7 vừa qua cũng là tháng thứ 5 liên tiếp England ghi nhận lượng mưa dưới trung bình.
Mike Rivington, nhà khoa học của Viện James Hutton, khẳng định hạn hán là dấu hiệu cảnh báo rằng vấn đề nước cần được xem xét kỹ lưỡng, trong bối cảnh hạn hán để lại hậu quả đối với tự nhiên và cuộc sống của con người.
Sự đa dạng sinh học, đặc biệt là những sinh vật siêu nhỏ giúp đất đai màu mỡ, có khó thể phục hồi, ảnh hưởng đến năng suất trong trồng trọt của năm sau.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ khiến hạn hán xuất hiện thường xuyên hơn, kéo theo năng suất nông nghiệp giảm sâu, đẩy giá lương thực lên cao.
Thời tiết cực đoan là một dấu hiệu của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo thường niên về khí hậu Anh vào năm 2021 của Met Office, mực nước biển đang dâng cao hơn trên khắp nước Anh, trong khi mỗi năm nước này lại ghi nhận mức nhiệt cao hơn trung bình.
Điều này cho thấy tác động của việc nhiệt độ trên toàn cầu tăng lên đối với khí hậu tại Anh, một lần nữa khẳng định biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của tương lai, mà đang trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện sống hiện nay.
Mùa hè này chính là minh chứng rõ ràng nhất và dự kiến tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Tác động của biến đổi khí hậu sẽ không chỉ dừng lại ở thu hoạch vụ mùa. Mưa lớn sẽ cản trở hoạt động khai thác mỏ, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng, trong khi những đợt lạnh bất chợt sẽ làm tăng chi phí sưởi ấm.
Nắng nóng và hạn hán là nguyên nhân khiến mạng lưới giao thông phải ngừng vận hành, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm chậm tiến độ các dự án xây dựng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giảm năng suất lao động.
Theo chuyên gia Kamiar Mohaddes của Trường kinh doanh Cambridge, quan điểm cho rằng, các quốc gia ôn đới sẽ tránh được hệ quả kinh tế của biến đổi khí hậu là không hợp lý.
Các nhà khoa học đã kêu gọi tăng thêm hành động ở cấp toàn cầu, giảm khí thải về mức trung hòa để ổn định khí hậu.