Xử lý nghiêm việc đổ rác thải trái quy định gây ô nhiễm môi trường

NDO -

Chưa lập dự toán, chưa được cấp phép cho dự án xử lý rác thải, nhưng Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hoàng Long (Công ty Hoàng Long) đã được TP Hòa Bình đồng ý cho đào phá đồi để chứa rác thải trái quy định; và Công ty Môi trường và đô thị Hòa Bình ngang nhiên vận chuyển rác lên đồi Độc Lập, xã Độc Lập, TP Hòa Bình (Hòa Bình) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. 

Những hố rác có sức chứa hàng trăm nghìn tấn được khoét sâu trên đỉnh đồi Độc Lập, TP Hòa Bình.
Những hố rác có sức chứa hàng trăm nghìn tấn được khoét sâu trên đỉnh đồi Độc Lập, TP Hòa Bình.

Tình trạng đổ rác thải lên đồi Độc Lập đã được Báo Nhân Dân điện tử phản ánh vào ngày 18/5/2021 với nội dung  “Cần nhanh chóng xử lý tình trạng rác thải gây ô nhiễm nghiêm trọng ở TP Hòa Bình”. Bài báo đã cảnh báo việc UBND TP Hòa Bình đã lựa chọn một địa điểm trên đồi cao thuộc xã Độc Lập để làm bãi đổ rác thải và giao cho Công ty Hoàng Long thực hiện.  

Đại diện Công ty Hoàng Long cho biết, dự án chưa có giấy phép, chưa qua đấu thầu, chưa lập dự toán, chưa tính chi phí của dự án… Tuy nhiên, lãnh đạo TP  Hòa Bình vẫn cho Công ty Hoàng Long thực hiện dự án chứa rác thải trên đỉnh đồi Độc Lập. Chỉ sau vài trận mưa  đầu mùa, nước rỉ rác đã chảy xuống khe núi ra sông Chanh và sông Bùi, có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước, khiến Nhà máy nước của Công ty Cổ phần nước sạch Hòa Bình phải đóng cửa một thời gian. 

Ngày 17/7/2021, UBND huyện Lương Sơn nhận được phản ánh của nhân dân về tình trạng cá chết do ô nhiễm nguồn nước tại xóm Chanh, xã Cao Sơn, huyện đã chỉ đạo Phòng TN và MT phối hợp UBND xã Cao Sơn kiểm tra, xác minh tại khu vực đầu nguồn suối Chanh, xã Cao Sơn nước có màu đen, có dấu hiệu ô nhiễm. Tại ao nuôi cá của hộ ông Lê Minh Thắng, xóm Chanh bắt đầu xuất hiện tình trạng cá chết nổi lên mặt nước. Khu vực này không có nhà máy và các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động, chủ yếu là đất trồng rừng sản xuất của các hộ dân. Đầu nguồn suối Chanh, xã Cao Sơn là vị trí tiếp ráp với xóm Can, xã Độc Lập, TP Hòa Bình có địa hình thấp, do vậy suối Chanh là nơi tiếp nhận chính các nguồn nước của các khu vực xóm Can, xã Độc Lập chảy về theo dòng chảy tự nhiên.

Theo kiến nghị của UBND huyện Lương Sơn kiểm tra tại khu vực núi thuộc xóm Can, đang có hoạt động tập kết rác thải sinh hoạt trên núi. Tại vị trí tập kết, rác thải không có mái che, chưa được đầu tư công trình thu gom, xử lý nước rỉ rác, do đó việc ô nhiễm môi trường từ nước rỉ rác và nước mưa chảy tràn tại khu vực này là rất lớn. Từ thực tế cho thấy, dấu hiệu ô nhiễm môi trường tại đầu nguồn suối Chanh đã bị ảnh hưởng bởi hoạt động tập kết rác thải tại xóm Can.

Nguồn nước suối Chanh chảy ra sông Bùi đoạn thuộc thị trấn Lương Sơn được lấy nước mặt để cung cấp cho Nhà máy nước sạch tại tiểu khu 6 của thị trấn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thị trấn một số địa bàn xã Tân Vinh, Hòa Sơn, Nhuận Trạch và thị trấn Xuân Mai (Hà Nội).UBND huyện Lương Sơn cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở ngành liên quan kiểm tra, xác định ô nhiễm từ khu vực thượng nguồn thuộc xã Độc Lập, TP Hòa Bình; đồng thời kiểm tra việc bảo đảm các điều kiện về môi trường trong việc tập kết rác thải tại xóm Can đối với các khu vực chung quanh. 

Ông Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty CP nước sạch Hòa Bình cho biết, trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước, Công ty CP nước sạch Hòa Bình đã phải chỉ đạo Xí nghiệp nước sạch Lương Sơn ngừng vận hành hệ thống xử lý khai thác mặt nước sông Bùi và thông báo cho khách hàng sử dụng nước có biện pháp tích trữ, tiết kiệm. Việc dừng cấp nước từ hệ thống xử lý khai thác nước mặt sông Bùi dẫn đến thiếu hụt khoảng 60% nhu cầu dùng nước của hơn 4.000 hộ khách hàng của thị trấn Lương Sơn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty… 

Có mặt tại khu vực đỉnh đồi Độc Lập vào ngày 30/7, chúng tôi chứng kiến Công ty Hoàng Long đã khoét đồi thành hai hố rộng vài chục mét và sâu hàng chục mét, mỗi hố có sức chứa hàng trăm nghìn tấn rác thải mà không có mái che. Rác thải vẫn đang được xe ô tô của Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình chở lên, thả thẳng xuống hố mà chưa qua xử lý, lộ thiên giữa “màn trời chiếu đất”. Nước rỉ rác dưới hố đã chuyển màu đen kịt. Được biết, hằng năm tỉnh Hòa Bình vẫn cấp kinh phí vài chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho TP Hòa Bình để xử lý rác thải và chỉnh trang đô thị. Khoản tiền đó TP Hòa Bình đã xử lý thế nào mà rác thải vẫn đổ bừa bãi nhiều nơi? 

Xử lý nghiêm việc đổ rác thải trái quy định gây ô nhiễm môi trường -0
Xe của Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình ngang nhiên chở rác lên đồi Độc Lập để đổ.

TS.Luật sư Lê Văn Thiệp, Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định tại khoản 5,6 điều 21 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015, Công ty môi trường đô thị Hoàng Long và Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình đã thực hiện hành vi trái pháp luật gây ô nhiễm môi trường. Các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là UBND TP Hòa Bình đã có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trước hành vi vi phạm pháp luật của hai công ty trên.

Cũng theo quy định tại điều 28 Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/04/2015 thì thẩm quyền quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép nếu dự án thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường theo quy định. Như vậy, việc chưa được phê duyệt, cấp phép, nhưng doanh nghiệp đã tự ý xả thải ra môi trường có trách nhiệm quản lý của nhiều cấp chính quyền, đơn vị liên quan chứ không chỉ riêng Công ty Môi trường đô thị Hoàng Long và Công ty Môi trường đô thị Hòa Bình. 

Nếu việc xả thải trái pháp luật với khối lượng lớn từ 500 tấn trở lên, đã gây hậu quả thì hành vi của những cá nhân liên quan cũng như hai công ty nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm e, khoản 1, điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015. Tùy vào khối lượng, hậu quả, tính chất của hành vi xả thải ra môi trường để định khung hình phạt theo quy định tại điều này, nếu pháp nhân thương mại vi phạm có thể bị xử phạt đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ một đến ba năm.