Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua còn phức tạp, lộn xộn kéo dài, nhiều vụ việc chưa được xử lý nghiêm minh, tạo tiền lệ xấu. Ðáng chú ý, gần đây hơn 20 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 63.000 m2 được cấp có thẩm quyền của tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tách thành 587 thửa đất để chuyển nhượng hoặc ngang nhiên xây dựng nhà ở trái phép.
Trong đó, thành phố Bạc Liêu có hơn 10 trường hợp với diện tích gần 52.000 m2 đã được tách thành 329 thửa, huyện Ðông Hải có ba trường hợp tách thành 204 thửa, huyện Vĩnh Lợi có ba trường hợp, diện tích hơn 12.000 m2 tách thành 54 thửa để bán đất kiếm lời...
Trước diễn biến phức tạp nêu trên, tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, qua đó cho thấy tình trạng đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... được tách thửa phân lô bán nền ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thời gian qua diễn ra rất phức tạp và sôi động. Tình trạng xây dựng không phép diễn ra tràn lan, nhất là ở thành phố Bạc Liêu, thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải), thị trấn Phước Long (huyện Phước Long)...
Tại thành phố Bạc Liêu, thời gian qua có nhiều khu dân cư tự phát, diện tích hơn 52.000 m2 được tách thành 329 thửa. Với mục đích sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân đã lập thủ tục tách thửa đất, bán kiếm lời hàng tỷ đồng. Ðiển hình như hộ ông Lê Kỳ Nam, hộ khẩu thường trú phường 5 (thành phố Bạc Liêu) được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 12.000 m2, đã làm thủ tục tách thành 39 thửa đất; hộ ông Trần Quốc Sử sở hữu hơn 5.000 m2 cũng làm thủ tục tách thành 37 thửa đất hay hộ ông Mã Kiệt Vũ chuyển đổi 10.000 m2 tách thành 40 thửa đất...
Tại huyện Vĩnh Lợi, nhiều cán bộ, nhân dân rất bức xúc, bất bình trước việc nhiều hộ gia đình được "ưu ái" chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở. Ðiển hình là vụ ông Lộ Thiếu Hoa (hộ khẩu thường trú tại thị trấn Châu Hưng) đã ngang nhiên chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất trồng lúa thành 11 thửa đất ở, lập khu dân cư tự phát. Tương tự, hộ ông Ðỗ Thiên Long (hộ khẩu thường trú tại xã Hưng Hội) chuyển gần 2.700 m2 thành 27 thửa đất ở. Hay hộ ông Nguyễn Văn Phóng (hộ khẩu thường trú tại thị trấn Châu Hưng) có tổng diện tích khu đất là hơn 8.300 m2, tách thành 16 thửa đất... để phân lô bán nền một cách tùy tiện, bất chấp các quy định về đất đai.
Qua tìm hiểu thực tế thì được biết, ngoài các khu dân cư tự phát nêu trên, tại thành phố Bạc Liêu thời gian qua còn "mọc" lên một số dự án khu dân cư mới như: Khu dân cư Trần Huỳnh, khu dân cư mới Ðịa ốc, khu dân cư mới Hoàng Phát, khu dân cư Tràng An (phường 1)... Ðiều đáng nói là, khi triển khai thực hiện dự án, các đơn vị nêu trên đều ra sức quảng cáo với những lời "có cánh" là "khu dân cư tốt nhất, hiện đại nhất, văn minh nhất, có công viên, chợ, khu thương mại và các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân tốt nhất…", song thực tế chỉ để lừa gạt người dân. Vì vậy, thời gian qua đã có rất nhiều người dân trong tỉnh bỏ số tiền lớn để mua nhà, đất tại các khu dân cư này với mong muốn được an cư, lạc nghiệp.
Nhưng khi đã bỏ tiền ra mua nhà, đất tại đây, nhiều hộ mới "té ngửa" vì bị lừa, phải mua với giá quá cao so giá thị trường trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, điện, nước, an ninh trật tự rất kém. Các công trình công cộng như công viên, nơi vui chơi giải trí, chợ, khu thương mại, siêu thị, trường học… theo như các chủ đầu tư đã quảng cáo hoàn toàn không có.
Theo một cán bộ lãnh đạo thuộc Sở Xây dựng Bạc Liêu, một trong những nguyên nhân khiến một số dự án khu dân cư trong tỉnh Bạc Liêu nói chung, nhất là tại thành phố Bạc Liêu nói riêng có nhiều "tai tiếng" là do các chủ đầu tư không thực hiện đúng theo các cam kết trong hợp đồng với khách hàng. Ðồng thời, do năng lực tài chính yếu kém, nhiều chủ đầu tư làm ăn theo kiểu "bóc ngắn cắn dài", tiến độ kéo dài, làm mất lòng tin và gây bức xúc, bất bình trong nhân dân, thậm chí, một số chủ dự án còn có dấu hiệu lừa gạt, bán nhà trên giấy.
Ngoài ra, chính quyền và các ngành chức năng còn dễ dãi, xuê xoa, hoặc cố tình "bao che" những yếu kém, sai phạm của các chủ dự án; phớt lờ những bức xúc, khiếu nại của nhân dân… Chính vì vậy, nhiều năm qua tại Bạc Liêu, tình trạng "loạn" các khu dân cư đã làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự tại địa phương ■
Bài và ảnh: TRỌNG DUY