Nhấn mạnh việc không được thông báo trước về thỏa thuận nói trên, Liên hiệp châu Âu (EU) chỉ trích rằng, EU đã bị Mỹ “gạt ra ngoài lề”. Ðại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đánh giá, thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia càng cho thấy yêu cầu EU phát triển chiến lược quốc phòng và an ninh của riêng mình.
Ngay sau khi AUKUS được công bố, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố Australia sẽ chấm dứt thỏa thuận về tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD ký với Pháp. Ðáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho đây là “sự phản bội” sau khi Paris đã xây dựng “quan hệ tin cậy” với Canberra. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng bày tỏ tiếc về việc Australia rút khỏi thỏa thuận với Pháp.
Nhằm trấn an các nước đồng minh, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Washington hoan nghênh các quốc gia châu Âu đóng vai trò quan trọng tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định Pháp là một đối tác quan trọng của Mỹ. Ðề cập bình luận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng AUKUS làm gia tăng chạy đua vũ trang và gây tổn hại hòa bình khu vực cũng như tiến trình không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, thỏa thuận nêu trên không nhằm tới bất kỳ bên nào, mà chỉ nhằm cải thiện hợp tác giữa ba nước.
Ngày 17/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison tiếp tục khẳng định, liên minh quốc phòng mới giữa nước này với Anh và Mỹ sẽ tồn tại vĩnh viễn; chương trình hợp tác ba bên về chế tạo tàu ngầm hạt nhân là cần thiết cho an ninh quốc gia của Australia.