Thiếu sức hỗ trợ, liệu giá dầu có đi theo diễn biến của thị trường tài chính?

NDO -

Sau các biến động thăng trầm kéo dài liên tiếp từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12, thị trường dầu thô tuần này đang đi vào giai đoạn trầm lắng hiếm hoi với các khoảng giao dịch hẹp và biến động nhỏ trong ngày, bất chấp các báo cáo cuối năm vốn có sức nặng lớn đến thị trường.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Đà tăng của dầu thô đang chững lại

Tâm lý tích cực quay trở lại trên hầu hết các thị trường tài chính trong tuần vừa rồi, thúc đẩy chỉ số S&P500 của chứng khoán Mỹ đạt đỉnh mọi thời đại và thị trường năng lượng cũng có mức tăng ấn tượng. Sau chuỗi giảm 6 tuần liên tục, giá dầu thô bật tăng mạnh mẽ trở lại gần 8% trong tuần trước, ghi nhận mức tăng lớn nhất trong vòng 3 tháng.

Sau cơn hoảng loạn ban đầu đến từ sự xuất hiện của biến thể Covid-19 Omicron, các số liệu thực tế đã chứng minh nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới cho đến hiện tại không hề giảm nhiều như lo ngại của giới đầu tư.

Theo chuyên trang cung cấp dữ liệu về ngành hàng không Flightradar24, mặc dù một số quốc gia đã thiết lập lại lệnh đóng cửa và phong tỏa, số lượng các chuyến bay trên thế giới trong nửa đầu tháng 12 vẫn đang ở mức rất sát so thời điểm cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Trong khi đó, lưu lượng giao thông của Mỹ và khu vực châu Âu vẫn đang duy trì ở mức cao hơn đáng kể so 2 năm trước, mặc dù xu hướng làm việc tại nhà vẫn đang tiếp tục. Tuy vậy, từ đầu tuần đến giờ giá dầu vẫn đang giằng co với biên độ giao dịch chỉ dưới 2%, với các phiên tăng giảm xen kẽ nhau và chưa có dấu hiệu bứt phá.

Đóng cửa ngày 14/12, giá dầu WTI giảm 0,79% xuống 70,73 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0,93% xuống 73,7 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng, dùng để thể hiện sự biến động của toàn bộ các mặt hàng trong nhóm như dầu, xăng và khí tự nhiên giữ nguyên ở mức 3.250,7 điểm.

Thiếu sức hỗ trợ, liệu giá dầu có đi theo diễn biến của thị trường tài chính? -0
Diễn biến giá dầu thô Brent 

Chưa có tín hiệu mới từ các báo cáo của OPEC, IEA và EIA

Thông thường, trong bối cảnh giá đi ngang như thế này, các nhà đầu tư thường sẽ tìm kiếm các dấu hiệu từ các báo cáo thị trường hàng tháng quan trọng của những tổ chức lớn như Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hay Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), đặc biệt là trong thời điểm cuối năm như hiện tại. Tuy vậy, cả 3 báo cáo của các tổ chức này trong tuần trước và tuần này đều không giữ vai trò tạo lập hướng đi của thị trường.

Nguyên nhân là do các nhận định cũng như dự báo lần này không còn mang tính đột phá. Mặc dù cả EIA và IEA đều hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2022 so báo cáo tháng 11, tuy nhiên mức giảm chỉ ở khoảng 100.000-400.000 thùng/ngày, không phải là quá nhiều và các tổ chức đều kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ trong năm sau vượt qua thời kỳ năm 2019.

Hơn thế nữa, trước đấy, thị trường đã có lúc lo sợ nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm đến gần 3 triệu thùng chỉ trong vòng vài tháng. Do đó các tác động tiêu cực của báo cáo lần này thực chất đã được hấp thụ từ trước và không gây ra nhiều thay đổi trên thị trường.

Thiếu sức hỗ trợ, liệu giá dầu có đi theo diễn biến của thị trường tài chính? -0
Dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới 

Các diễn biến cần chú ý trong giai đoạn tới

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), khi bản thân thị trường dầu thô đang thiếu đi các thông tin mang tính định hướng, nhiều khả năng giá dầu sẽ đi theo xu hướng chung của thị trường tài chính.

Như vậy, thay đổi lớn sắp tới có thể sẽ đến từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào rạng sáng thứ 5 tuần này. Theo khảo sát hiện tại của Reuters, phần lớn thị trường kỳ vọng FED sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lượng tiền khỏi thị trường từ mức 15 tỷ USD/tháng lên 30 tỷ USD/tháng.

Nếu FED quyết định tăng tốc nhanh hơn mức này để mở đường cho việc tăng lãi suất trong năm sau, thị trường tài chính nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng có thể sẽ trải qua một đợt điều chỉnh mới. Nguyên nhân là do chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong các yếu tố hỗ trợ và thúc đẩy giá hàng hoá trong năm nay.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác có thể giúp giá thoát khỏi tình trạng đi ngang là các thông tin mới về tình hình đại dịch Covid-19. Nếu thế giới thực sự kiểm soát được đại dịch này như kỳ vọng của OPEC, giá dầu sẽ có thêm động lực để bứt phá.