Thất bại trong việc dỡ bỏ rào cản bản quyền về vaccine Covid-19, theo đó cho phép các nước có thu nhập thấp có thể tự sản xuất vaccine nội địa với giá rẻ hơn, cũng cản trở khả năng tiếp cận vaccine của châu lục này, gây ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế ở nhiều nước trong khu vực.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi (SSA) nhấn mạnh, việc thiếu khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của khu vực này bị chậm lại. Theo IMF, dự báo khu vực phía nam Sahara sẽ đạt tăng trưởng kinh tế 3,7% trong năm nay và 3,8% năm 2022, trong đó giá hàng hóa tăng và thu hoạch mùa màng thuận lợi đã mang lại lợi ích cho một số quốc gia. Nam Phi - quốc gia công nghiệp hóa nhất lục địa, dự kiến sẽ tăng trưởng 5,0% GDP trong năm nay trước khi tăng trưởng chậm lại 2,2% vào năm 2022. GDP của Angola sẽ giảm 0,7% vào năm 2021, nhưng tình trạng suy thoái kéo dài sáu năm của nước này dự báo sẽ chấm dứt vào năm 2022 khi Angola được kỳ vọng có mức tăng trưởng 2,4%, mặc dù tốc độ này chậm hơn so dự kiến trước đây.
Lạm phát lương thực gia tăng vẫn là một vấn đề nhức nhối, nhất là với khoảng 30 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực do tác động của đại dịch Covid-19. Lạm phát lương thực tăng đều kể từ năm 2019 và ở mức 10,9% vào tháng 8 vừa qua tại 25 quốc gia ở Nam Sahara. Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng không chỉ giữa các nhóm thu nhập mà còn trên các khu vực địa lý địa phương, từ đó tăng thêm nguy cơ căng thẳng xã hội và bất ổn chính trị. Nếu không có hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ bên ngoài, các con đường phục hồi khác nhau của khu vực phía nam sa mạc Sahara và phần còn lại của thế giới có thể trở thành các đường đứt gãy vĩnh viễn, đe dọa những tiến bộ hết sức khó khăn mới đạt được trong nhiều thập kỷ qua của khu vực này.
Khu vực phía nam Sahara đối mặt nguy cơ xuất hiện trở lại các đợt dịch Covid-19 trước khi vaccine được phổ biến rộng rãi. Khi các biến thể mới xuất hiện, áp lực đối với các mũi tiêm nhắc lại ở các quốc gia đã có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể sẽ tăng lên. Theo IMF, sự thành công của việc triển khai vaccine phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng phân phối cũng như nỗ lực tiêm chủng của mỗi quốc gia. Nếu tiếp tục chậm trễ trong triển khai công tác tiêm chủng, khu vực phía nam sa mạc Sahara sẽ có thể đối mặt các chủng vi-rút mới, độc hại hơn, có thể khiến dịch bệnh trở thành vấn đề phổ biến thường trực trên toàn khu vực và điều này sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế.
Một thư ngỏ do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố cho biết, một số nhân vật nổi tiếng ở châu Phi đã kêu gọi các nước giàu cung cấp khẩn cấp các loại vaccine Covid-19 cho các nước nghèo ở châu Phi. Bức thư chỉ ra rằng, chưa tới 4% dân số ở châu Phi đã được tiêm vaccine, trong khi tỷ lệ này ở các nước giàu là hơn 70%.