Thiết kế các công trình trường học an toàn trước thiên tai

Tháng 8 vừa qua, những trận lũ quét khủng khiếp tại các tỉnh miền núi phía bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiều hộ dân, trường học các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu... bị phá hủy, thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn trong phòng chống thiên tai nói chung, trong đó, bảo đảm an toàn trường học nói riêng trước thiên tai có ý nghĩa quan trọng đối với ngành giáo dục hiện nay.

Đợt lũ quét vừa qua gây thiệt hại nặng nề tại Trường tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái).
Đợt lũ quét vừa qua gây thiệt hại nặng nề tại Trường tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái).

Việt Nam là nước chịu tác động và thiệt hại nhiều bởi thiên tai hằng năm. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, ước tính hơn 70% số dân nước ta đang hứng chịu các rủi ro do nhiều loại hiểm họa thiên tai. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 172/2007/QÐ-TTg phê duyệt "Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020".

Một trong những nội dung liên quan nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch hành động của chương trình được nhấn mạnh là rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn xây dựng công trình phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng; ban hành các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình trong các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai... Trong đó, trường học là loại công trình công cộng phổ biến, gắn liền với hệ thống các điểm dân cư toàn quốc với quy mô khoảng 44,8 nghìn trường mầm non và phổ thông các cấp.

Công trình trường học là loại công trình có yêu cầu đặc biệt về an toàn trước thiên tai, do là nơi tập trung đông người với đối tượng chính là trẻ em. Vì vậy, từ năm 2011, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã ban hành Quyết định số 4068/QÐ-BGDÐT "Về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020". Một trong những mục tiêu cụ thể đã được xác định trong kế hoạch hành động là, từ năm 2016 đến 2020, tổ chức triển khai áp dụng đại trà mẫu trường, lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo kế hoạch cụ thể của Bộ GD và ÐT.

Trường học an toàn trước thiên tai là môi trường giáo dục có đủ điều kiện để bảo đảm an toàn cho học sinh và những người đang làm việc trong trường, an toàn đối với cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trong mọi điều kiện của thiên tai. Ðó là trường học có vị trí quy hoạch xây dựng an toàn, được thiết kế xây dựng theo quy chuẩn phù hợp, có khả năng giảm xuống mức thấp nhất các rủi ro thiên tai liên quan cơ sở vật chất, có các thiết bị và phương tiện giúp trường ứng phó được với nhiều loại thiên tai. Vấn đề xây dựng trường học an toàn, chống chịu và giảm nhẹ tác động thiên tai từ nhiều năm qua đã được các tổ chức quốc tế và các nước quan tâm, nghiên cứu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Ở nước ta, để trường học được bảo đảm an toàn trong phòng, chống thiên tai cần có các nghiên cứu và hoạt động triển khai cụ thể. Trong đó, cần nghiên cứu về phân vùng thiên tai và đặc trưng thiên tai của các vùng; nguyên nhân, điều kiện hình thành và đặc tính của các loại thiên tai có tần suất xuất hiện cao ở nước ta; cơ chế tác động của từng loại thiên tai đối với công trình trường học và các giải pháp phù hợp về quy hoạch, thiết kế xây dựng công trình nhằm hạn chế rủi ro thiên tai, bảo đảm khả năng chống chịu và giảm tác động của loại thiên tai đó đối với công trình trường học.

Cần xác lập quan điểm tiếp cận tổng hợp trong thiết kế mẫu công trình phù hợp phát triển kinh tế, xã hội; lựa chọn địa điểm xây dựng, tổ chức quy hoạch mặt bằng, thiết kế mẫu công trình cần bảo đảm có khả năng chống chịu và giảm nhẹ tác động thiên tai; thí điểm và hoàn thiện các mẫu thiết kế để triển khai áp dụng xây dựng theo các mẫu công trình trường học an toàn.

Nghiên cứu các vấn đề liên quan giải pháp thiết kế xây dựng công trình chống chịu và giảm nhẹ tác động thiên tai, đặc biệt giải pháp công trình trường học là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, nhưng vẫn phải huy động ở mức độ cao để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống trường học. Từ các kết quả nghiên cứu cần được chuyển hóa để bổ sung, cập nhật kịp thời vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nói chung, xây dựng công trình trường học nói riêng nhằm bảo đảm an toàn nhất cho các công trình trường học.

KTS LÊ THÁI TUYÊN

(Viện Nghiên cứu thiết kế trường học)