Thích nghi dần với hạn, mặn

NDO -

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Hạn hán trong những tháng mùa khô khá gay gắt, mặn lấn sâu vào nội đồng. Năm nay, giới chuyên môn dự báo hạn, mặn tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân khu vực này.

Cán bộ vận hành cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đang đo độ mặn tại miệng cống để lấy nước ngọt vào hệ thống “ngọt hóa” Gò Công. (Ảnh: Nguyễn Sự)
Cán bộ vận hành cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đang đo độ mặn tại miệng cống để lấy nước ngọt vào hệ thống “ngọt hóa” Gò Công. (Ảnh: Nguyễn Sự)

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An đang vào cao điểm mùa khô 2021-2022. Từ dự báo của ngành chuyên môn, các địa phương đã chủ động ứng phó từ rất sớm. Đến thời điểm này, nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân khá dồi dào.

Nước nội đồng dồi dào

Giữa tháng 2, cái nắng ở vùng ven biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang) như thiêu đốt nhưng dường như không làm cho những nông dân chân lấm tay bùn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Bởi, mực nước ở các con kênh lớn, nhỏ trong nội đồng còn khá dồi dào. Các ruộng lúa phải bơm nước ra ngoài để chờ ngày thu hoạch. Trên đồng, máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa bị mắc lầy nhiều nơi do đất chưa kịp khô.

Ông Nguyễn Văn Minh, ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) trồng 0,4ha lúa VD20, cho biết: “Năm qua, vào thời điểm này, con kênh Bảy Quang đã cạn khô nhưng năm nay nước rất nhiều. Một số ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch bị nước tràn vào, chủ ruộng phải tốn nhiều tiền cho việc bơm tát ra bên ngoài”.

Kênh Champeaux là tuyến huyết mạch dẫn nước từ cống Xuân Hòa vào vùng “ngọt hóa” Gò Công (Tiền Giang). Thời điểm này của những năm trước, nước đã cạn khô. Năm nay, mực nước dưới kênh còn khá cao, mấp mé các mé ruộng.

Nhà ở cạnh con kênh này, ông Hồ Văn Bảy, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, năm nay, mực nước còn cao, độ mặn cũng không đáng kể nên rất thuận lợi cho việc tưới tiêu rau màu và sinh hoạt của người dân. Địa phương đã thông báo về tình hình hạn, mặn trong mùa khô 2021-2022, nhờ đó người dân đã có sự chủ động trữ nước ngọt cho sản xuất và sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

Tại Long An, ngành nông nghiệp và các địa phương thường xuyên kiểm tra các tuyến kênh nội đồng để tranh thủ trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Nhờ đó, nguồn nước ở các tuyến kênh nội đồng còn khá nhiều.

Bà Cao Thị Minh Nguyệt, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) trồng 2ha lúa, cho biết: “Thời điểm này của những năm trước, chúng tôi rất lo lắng vì thiếu nước ngọt cho sản xuất. Mùa khô 2015-2016, diện tích lúa của gia đình tôi bị chết cháy do không có nước ngọt bơm vào đồng ruộng. Còn năm nay, nguồn nước ở các tuyến kênh rất nhiều. Hệ thống thủy lợi cũng được nhà nước đầu tư kiên cố. Xâm nhập mặn vào nội đồng cũng không còn lo nữa”.

Thích nghi dần với hạn, mặn -0
 Độ mặn 0g/lít, cán bộ vận hành cống xin ý kiến lãnh đạo ngành để lấy nước ngọt vào vùng “ngọt hóa” Gò Công. (Ảnh: Nguyễn Sự)

Vào cao điểm mùa khô, tình hình xâm nhập mặn trên các kênh chính qua địa bàn tỉnh Bến Tre luôn ở mức cao và lấn sâu vào nội đồng. Hiện, độ mặn 4g/lít xâm nhập vào cách các cửa sông từ 41-51km, đến địa bàn các xã Giao Long (Châu Thành), xã Bình Phú (TP Bến Tre); xã Thanh Tân, xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc). Độ mặn 1g/lít xâm nhập vào cách các cửa sông từ 46-62km, đến địa bàn các xã Quới Sơn, Tiên Thủy (Châu Thành); xã Phú Sơn, xã Tân Thiềng (Chợ Lách). Trước diễn biến phức tạp của hạn, mặn, người dân đã chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp như: trữ nước ngọt, tưới nhỏ giọt, ủ gốc để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Gia đình ông Phạm Văn Nhựt, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) đã bơm nước ngọt lên 2 túi chứa bằng nilon với dung tích 14m3 để chuẩn bị ứng phó trong mùa khô này. Các lu chứa bằng xi-măng dung tích 10m3 cũng đã chứa đầy nước mưa để sử dụng vào việc ăn, uống, sinh hoạt và chăn nuôi 15 con bò.

Ông Nhựt cho biết: “Mùa khô năm 2015-2026, nước mặn xâm nhập vào nội đồng làm người dân bị thiệt hại lúa, hoa màu và thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Sau đó, gia đình tôi phải mua dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Năm nay, dự báo tình hình hạn mặn sẽ gay gắt nên tôi còn dự phòng chứa trong mấy ao nước chung quanh nhà để có nước cho bò uống”.

Gia đình ông Nhựt cũng thay đổi tập quán sản xuất để phù hợp tình hình hạn, mặn ngày càng gay gắt. Trước đây, gia đình ông canh tác 3ha lúa và sản xuất 3 vụ/năm; giờ chỉ canh tác 2 vụ/năm để tránh mặn.

Sự chủ động của nhà nước và người dân

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) Nguyễn Văn Quý cho biết: “Mực nước ở hầu hết các tuyến kênh trên địa bàn huyện còn khá cao nên không có diện tích lúa nào bị ảnh hưởng. Đây là điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái… Tuy lượng nước vẫn còn phục vụ được cho nhân dân nhưng chúng tôi thường xuyên theo dõi chất lượng nước để thông báo cho nhân dân biết khi mặn xâm nhập”. 

Ngay sau Tết Nguyên đán 2022, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đắp 8 đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên các tuyến kênh trọng yếu: Nguyễn Tấn Thành, Ông Hổ, Cầu Sao, Rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười; sửa chữa 4 cống: Rạch Chợ, Thủ Ngữ, Ông Thiệm và Cầu Kênh nhằm ngăn mặn và trữ ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thích nghi dần với hạn, mặn -0
 Tỉnh Tiền Giang triển khai đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt từ rất sớm để ứng phó với mùa khô 2021-2022. (Ảnh: Nguyễn Sự)

Các địa phương nạo vét 7 tuyến kênh: Đường Trâu, Kênh Giữa, Xóm Đen, Kênh Một, Kênh Hai, Xóm Gồng, Bảo Châu-Xã Sách để đưa nước ngọt về tưới cho các cánh đồng sâu, xa. Tỉnh cũng triển khai nạo vét 75 tuyến kênh, mương nội đồng nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả khai thông dòng chảy, trữ nước ngọt trong nội đồng phục vụ phòng, chống hạn, mặn và giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô năm 2021-2022; góp phần tạo thuận lợi cho bà con tổ chức lại sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, ổn định cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Chi cục trưởng Thủy Lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, đầu mùa khô 2022, tỉnh đã xây dựng và triển khai phương án ứng phó hạn, mặn một cách sâu rộng đến người dân; tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm, trữ nước trong nội đồng phòng, chống hạn, mặn gắn với giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và các tác nhân gây ô nhiễm; tích cực hưởng ứng ra quân làm thủy lợi nội đồng, dọn cỏ rác, lục bình, khai thông dòng chảy…

Tỉnh Bến Tre cũng triển khai quyết liệt các biện pháp công trình và phi công trình để phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm nay. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm Nguyễn Vũ Phong cho biết: “Tình hình hạn, mặn năm nay dự báo sẽ diễn ra gay gắt nên ngành nông nghiệp chủ động các giải pháp ứng phó. Trong đó, vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để sử dụng trong những tháng mùa khô. Hệ thống cống cũng thường xuyên theo dõi để đóng kịp thời nhằm ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Đối với việc sản xuất lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ sản xuất 2 vụ/năm để tránh mặn”.

Huyện Chợ Lách là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất tỉnh Bến Tre, những năm qua, mặn thường xuyên uy hiếp địa phương này.

TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Năm nay, nước mặn chưa xâm nhập tới địa phận huyện Chợ Lách nhưng các cấp, các ngành và người dân địa phương đã chuẩn bị các phương án để ứng phó. Hầu hết người dân đều chọn các giải pháp như: đào ao, sử dụng túi trữ nước, giữ nước trong mương vườn... để có nước ngọt sử dụng. Ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác như: phủ gốc, tưới tiết kiệm nước để ứng phó hạn, mặn... Đến nay, huyện đã đắp 7 đập tạm, cống ngăn mặn trên tuyến kênh Lộ ở xã Phú Sơn; tiếp tục thi công xây dựng các công trình cống, nâng cấp đê bao ngăn mặn, trữ nước ngọt”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết: “UBND tỉnh giao ngành chuyên môn và các địa phương khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi, kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 25 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2021-2022”.

Thích nghi dần với hạn, mặn -0
 Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đo độ mặn để thông báo diễn biến mặn cho người dân. (Ảnh: Hoàng Trung)

Chi cục trưởng Thủy lợi và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Võ Kim Thuần cho biết, qua rà soát, mùa khô năm 2021-2022, toàn tỉnh Long An có khoảng 27.117ha cây trồng các loại có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn; đồng thời phát huy tính sáng tạo, nhân rộng các biện pháp, mô hình hay để trữ nước ngọt trong từng khu vực nội đồng, thôn, ấp và từng xã.

Ngành nông nghiệp đã bố trí lịch thời vụ khá phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân không sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới để tránh bị thiệt hại. Đắp đập tạm ngăn mặn, bờ bao cục bộ để tích trữ tối đa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân; đầu tư hệ thống các cống ngăn mặn còn lại trên tuyến Quốc lộ 62, Quốc lộ N2 thuộc các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh. Đầu tư sửa chữa, thay thế các cống đầu mối có cửa van vận hành tự động theo thủy triều chuyển sang vận hành cưỡng bức bằng hệ thống điện. Đầu tư, hoàn thiện hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt cho các xã, huyện khu vực vùng hạ còn bị thiếu nước do đặc thù khu vực không có nguồn nước ngọt cung cấp.

Tỉnh Long An còn phối hợp tỉnh Tiền Giang triển khai đắp các đập tạm tại các kênh, rạch cắt ngang sông Vàm Cỏ Tây nhằm bảo đảm ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn trên 1g/lít tại cống Bình Tâm nhằm bảo vệ diện tích sản xuất của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Đồng thời, phối hợp tốt quy chế vận hành hệ thống Bảo Định, hệ thống Rạch Chanh-Nguyễn Văn Tiếp để lấy nước từ cống Bảo Định, cống Rạch Chanh nhằm lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một phần huyện Tân Trụ, huyện Thủ Thừa và huyện Bến Lức qua các cống cặp sông Vàm Cỏ Tây...