Kết quả kinh tế ấn tượng
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, huyện Bến Cát (nay là thị xã Bến Cát) bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong điều kiện vô vàn khó khăn do chiến tranh để lại, song với lòng tự hào về quá khứ vẻ vang của quê hương miền đông trung dũng và niềm tin vào tương lai tươi đẹp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bến Cát không quản ngại khó khăn đã bắt tay vượt qua mọi thử thách để khắc phục hậu quả.
Bằng trí tuệ và nghị lực của mình, Bến Cát đã đưa kinh tế từ một địa phương thuần nông trở thành một thị xã có bức tranh kinh tế công nghiệp năng động và phát triển vượt bật với cơ cấu kinh tế vào năm 2021 có tỷ trọng công nghiệp 74,4% - dịch vụ 25,3% và nông nghiệp 0,3%; toàn thị xã hiện có là 5.472 dự án, trong đó có 4.678 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn gần 46.250 tỷ đồng và 794 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 8 tỷ USD.
Giai đoạn phát triển nhất của Bến Cát là hơn 20 năm qua. Từ chủ trương đưa công nghiệp về các huyện phía bắc của Tỉnh ủy, kinh tế Bến Cát đã vươn vai phát triển vượt bậc. Trong phát triển, Bến Cát đã xây dựng các khu công nghiệp làm yếu tố đột phá để phát triển công nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn thị xã có các khu công nghiệp Mỹ Phước 1, khu công nghiệp Mỹ Phước 2, khu công nghiệp Mỹ Phước 3, khu công nghiệp Thới Hòa, khu công nghiệp quốc tế Protrade; khu công nghiệp Việt Hương 2, khu công nghiệp Rạch Bắp…
Các khu công nghiệp này đã giúp thị xã Bến Cát thu hút 794 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 8 tỷ USD. Tác động của các khu công nghiệp này đã giúp địa phương chuyển dịch nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã tăng nhanh và ổn định trong những năm qua. Riêng trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã Bến Cát đạt 143.450 tỷ đồng.
Theo UBND thị xã Bến Cát, sự phát triển công nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc tăng thu ngân sách cho thị xã, giải quyết được việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Đặc biệt là công nghiệp về làm đời sống nhân dân thay đổi diệu kỳ, từ thu nhập không đáng kể nhưng đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của người dân thị xã Bến Cát rất cao, đạt hơn135 triệu đồng/người/năm. Sự phát triển công nghiệp đã tác động mạnh để thương mại - dịch vụ phát triển.
Đến nay, tại thị xã Bến Cát có hệ thống hạ tầng thương mại-dịch vụ phát triển với ngày càng có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, ngân hàng…xây dựng ngày càng nhiều nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ. Nhờ vậy, đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thị xã Bến Cát đạt 48.858 tỷ đồng trong năm 2021.
Dấu ấn các khu công nghiệp Mỹ Phước
Nổi bật, từ chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh, Tổng Công ty Becamex IDC được giao thực hiện đầu tư xây dựng các khu công nghiệp Mỹ Phước từ năm 2002. Sau 20 năm đi vào hoạt động, các khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3 và khu công nghiệp Thới Hòa đạt hiệu quả cao trong việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế của thị xã Bến Cát. Đây cũng là các khu công nghiệp sáng trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế, các khu công nghiệp Mỹ Phước và khu công nghiệp Thới Hòa đáp ứng tốt các yêu cầu của các công ty, tập đoàn lớn nên có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn vào Bình Dương đã đầu tư vào đây, như: Dự án sản xuất vỏ xe ô-tô của Tập đoàn Kumho Asiana (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 360 triệu USD, dự án sản xuất bao bì cao cấp của Tập đoàn SCG Siam Cement (Thái Lan) đầu tư 180 triệu USD, dự án nhà máy sản xuất nước giải khát của Kirin Acecook Việt Nam (Nhật Bản) có vốn đầu tư 60 triệu USD, Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina (Hàn Quốc) đầu tư sản xuất bánh kẹo với tổng vốn 60 triệu USD, Công ty TNHH Panko Vina (Hàn Quốc) đầu tư 60 triệu USD…
Lĩnh vực mà các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp Mỹ Phước và khu công nghiệp Thới Hòa chủ yếu là sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo máy, chế biến thực phẩm, công nghiệp gỗ và trang trí nội thất, linh kiện và máy móc…đã góp phần cho ngành công nghiệp của thị xã Bến Cát có sức cạnh tranh cao.
Quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp của Tổng Công ty Becamex IDC tại thị xã Bến Cát đã giúp kinh tế-xã hội của địa phương phát triển rất nhanh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex IDC chia sẻ: Yếu tố quan trọng mà Becamex IDC chú trọng là xây dựng mô hình phát triển và thu hút đầu tư dựa trên việc cung cấp một hệ sinh thái toàn diện với những điểm trọng yếu thông qua việc quy hoạch các khu công nghiệp xanh, đan xen với các khu đô thị, thương mại và dịch vụ. Tại đây, cùng với việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội, khu tái định cư cho những người dân trong diện giải tỏa đền bù, cùng các khu đô thị cao cấp dành cho các nhà đầu tư, Becamex IDC đã tập trung xây dựng hệ sinh thái giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao ở tất cả các cấp nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập của con em những nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Điều này giúp hình thành mạng lưới các khu dân cư mới, vừa có tác dụng phát triển thương mại và dịch vụ chung quanh các khu công nghiệp; đồng thời bảo đảm chất lượng cuộc sống cho nhà đầu tư, bảo đảm lợi ích cho những người dân nằm trong diện quy hoạch, cũng như người lao động nhập cư. Đây chính là nền tảng vững chắc để đồng hành cùng các địa phương phát triển bền vững.
Thành công của thị xã Bến Cát hôm nay là kết tinh từ sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đây cũng là minh chứng thuyết phục cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương từ sự năng động và tầm nhìn “đi trước, đón đầu” của lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
“Ly nông bất ly hương”, trên địa bàn thị xã Bến Cát hôm nay, bóng dáng của nông nghiệp một thời đang nhường chỗ cho công nghiệp-dịch vụ-thương mại phát triển, đời sống nhân dân đổi thay, đường phố khang trang, sạch đẹp… Đó là kết quả tất yếu từ chủ trương đúng hướng đưa công nghiệp về phía bắc của Tỉnh ủy Bình Dương và những giải pháp sát thực tiễn.
Chính sự phát triển công nghiệp với các khu công nghiệp làm đòn bẩy đã tạo nền tảng giúp thị xã Bến Cát đột phá để bừng sáng như hôm nay. Yếu tố này cũng là nền tảng để thị xã Bến Cát tiếp tục viết tiếp khúc hoan ca, sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.