Theo báo cáo của Cơ quan việc làm liên bang Đức, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm trong tháng 5 vừa qua, xuống mức 4,9%. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu và sản phẩm trung gian cho các ngành công nghiệp tiếp tục là thách thức lớn đối với thị trường lao động Đức.
Dữ liệu của Chính phủ Brazil công bố ngày 1/6 cho thấy, trong giai đoạn 3 tháng từ tháng 2/2022, tỷ lệ thất nghiệp của nước này là 10,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin vốn đang vật lộn với khó khăn do tỷ lệ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn 11,3 triệu người Brazil chưa tìm được việc làm.
Chính phủ Nhật Bản thông báo, trong tháng 4 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm xuống mức 2,5%. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản giảm. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết, tỷ lệ việc làm có sẵn ở Nhật Bản đã tăng trong tháng thứ 4 liên tiếp, lên mức 1,23, nghĩa là cứ 100 người tìm việc thì có 1,23 việc làm có sẵn.
Cơ quan thống kê Nam Phi công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã giảm từ mức 35,3% cuối năm 2021, xuống 34,5% trong quý I năm nay. Đây là lần đầu tiên trong 2 năm tỷ lệ thất nghiệp tại Nam Phi giảm. Số việc làm mới được ghi nhận nhiều nhất trong trong các ngành dịch vụ, sản xuất và thương mại.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đã họp với lãnh đạo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), thảo luận về vấn đề lạm phát và tình trạng giá cả tăng cao. Ông Biden khẳng định, ưu tiên hàng đầu của Nhà trắng là giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao, đưa nước Mỹ chuyển từ thời kỳ phục hồi sang tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện lên mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua.
Lạm phát của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 5 vừa qua cũng "lập kỷ lục mới" là 8,1%, cao gấp 4 lần so mục tiêu Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là kiềm chế ở mức 2%. Số liệu trên đã được Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) xác nhận ngày 31/5. Theo kế hoạch, tháng 7 tới, ECB sẽ công bố tăng lãi suất thêm 0,25% để kiềm chế lạm phát.