Giá nông sản đang neo cao do ảnh hưởng của chiến tranh
2 năm qua là giai đoạn đáng nhớ đối với thị trường nông sản thế giới khi giá các mặt hàng tăng phi mã. Đà tăng này hiện vẫn đang duy trì, không những do ảnh hưởng từ các hoạt động chiến sự ở Biển Đen mà còn xuất phát từ nguy cơ diễn ra các khung thời tiết bất lợi đối với mùa vụ trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4, giá ngô kỳ hạn tháng 5 đã đạt 768 cent/giạ (~305 USD/tấn), và cũng là mức cao nhất trong vòng gần 1 thập kỷ qua. Nếu như 25% thương mại nông sản của thế giới đến từ Nga và Ukraine gần như bị đóng băng đã khiến cho giá nông sản leo cao, thì trước đó, các mặt hàng đã ở trong chu kỳ tăng giá mạnh do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Và thời tiết chính là một trong những nguyên nhân chính khiến cho thị trường nông sản và chăn nuôi thế giới phải chao đảo.
Trước tình hình mối căng thẳng chính trị vẫn đang leo thang, đồng nghĩa với việc dòng chảy nông sản từ Biển Đen sẽ khó được nối lại trong thời gian tới, thị trường sẽ kỳ vọng vào mùa vụ sắp được gieo trồng tại Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu các mặt hàng như ngô, đậu tương,… Đây đều là những nguyên liệu không thể thiếu trong chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Thời tiết sẽ là yếu tố rủi ro đối với giá nông sản
Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra ước tính số liệu về diện tích gieo trồng ngô năm nay sẽ đạt mức 89,49 triệu mẫu, thấp hơn so với năm ngoái và nằm dưới mức dự đoán của thị trường. Trong bối cảnh giá phân bón toàn cầu vẫn đang ở mức cao, liệu sản lượng mùa vụ mới có thể bù đắp được vào triển vọng nguồn cung toàn cầu đang thiếu hụt hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào năng suất hay triển vọng thời tiết sắp tới.
Trong cùng thời điểm này vào năm ngoái, thị trường nông sản đang bước vào xu hướng tăng mạnh, khi mà người ta vẫn thường hay nhắc về cụm từ “chuỗi siêu tăng giá hàng hóa”. Nguyên nhân đợt tăng giá mạnh mẽ và liên tục này là do hiện tượng thời tiết La Nina, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của các quốc gia sản xuất chủ chốt ở Nam Mỹ là Brazil và Argentina.
Tại Brazil, vụ ngô thứ 2, chiếm khoảng 75% sản lượng cả nước đã bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn hán và băng giá trong giai đoạn phát triển. Và đến đầu năm nay, La Nina lại một lần nữa quay trở lại và khiến cho sản lượng ngô của Argentina liên tục bị cắt giảm trong đầu năm nay.
Mặc dù dự báo cho thấy ảnh hưởng của thời tiết đối với ngô vụ 2 của Brazil sẽ không nghiêm trọng như năm ngoái, nhưng triển vọng mùa vụ ở Mỹ vẫn đang là một dấu chấm hỏi lớn đối với thị trường. Dự báo cho thấy khô hạn năm nay vẫn sẽ xảy ra và các khu vực chịu ảnh hưởng hiện tại đang tập trung ở các khu vực sản xuất ngô chính là đồng bằng và trung tâm.
Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong bối cảnh giá phân bón vẫn đang ở mức cao thì không chỉ số liệu diện tích mà chất lượng cây trồng hay năng suất năm nay cũng sẽ là yếu tố cần chú ý. Nếu như khô hạn xảy ra thì sẽ càng làm cho mức độ thiếu hụt nguồn cung nông sản càng trầm trọng và dẫn tới việc giá sẽ khó có thể đảo chiều, hạ nhiệt trong những tháng gieo trồng ở Mỹ sắp tới.