Đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có nhu cầu tuyển lao động với số lượng lớn để đáp ứng đơn hàng hoặc mở rộng quy mô nhà xưởng. Trong đó, ngành may mặc nằm trong nhóm dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng sau Tết. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, hàng ngàn lao động được tuyển dụng có việc làm; trong đó có gần 400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhiều công ty tuyển dụng
Chị Lê Thị Thảo Nguyên, nhân viên tuyển dụng của Công ty TNHH May mặc Leader (Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) cho biết: Hiện nay, công ty đang cần tuyển khoảng 1.000 lao động để sản xuất những đơn hàng mới. Ngoài ra, công ty cũng tuyển thêm bộ phận nhân viên văn phòng, vị trí kế toán trưởng, khoảng 10 nhân sự biết tiếng Anh hoặc tiếng Hoa để triển khai đơn hàng của công ty. Ông Jen Yi Fan, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bohsing thuộc Khu công nghiệp Hòa Phú cho biết, công ty đang dần hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà xưởng mới, cần khoảng 500 lao động địa phương cho những đơn hàng này và có thể tăng thêm trong thời gian tới.
Đầu tháng 3, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thông tin thị trường lao động và kết nối cung cầu lao động khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ”, với sự tham dự của 13 Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố cùng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, thị trường lao động năm 2023 cơ bản được phục hồi hơn so với hai năm trước, tuy nhiên vẫn có hiện tượng mất cân đối cung-cầu cục bộ, nơi thì dư, nơi lại thiếu lao động. Một trong những hạn chế được chỉ ra là việc kết nối giữa các địa phương chưa thật sự chặt chẽ. Do vậy, vấn đề được quan tâm thảo luận là phát triển hệ thống thông tin thị trường, kết nối cung-cầu lao động, nhất là vùng kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam Bộ (cần nhiều lao động) với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có nguồn nhân lực dồi dào.
Với chức năng kết nối cung-cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long cũng ghi nhận thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi tích cực trong hai tháng đầu năm. Phó Giám đốc Trung tâm Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết: Trung tâm đang kết nối hơn 170 doanh nghiệp với nhu cầu vị trí tuyển dụng hơn 13.000 lao động các ngành nghề tập trung như may, sản xuất dây điện xe ô-tô, chế biến chế tạo, kinh tế. Để đẩy mạnh kết nối cung cầu cũng như đào tạo nghề cho người lao động, Trung tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường công nghệ thông tin trong tuyên truyền, tư vấn. Được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quyền tự chủ, Trung tâm chủ động khai thác cơ sở vật chất được đầu tư mới để đào tạo, đáp ứng doanh nghiệp tuyển dụng lao động có trình độ cao.
Nhiều chính sách hỗ trợ lao động nước ngoài
Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (Mitaco) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và đưa nhân lực qua thị trường Nhật Bản. Công ty được thành lập năm 2017 và đã đưa gần 546 lao động, du học sinh của tỉnh Vĩnh Long qua Nhật Bản làm việc và học tập. Học viên của Mitaco hơn 90% là lao động tỉnh Vĩnh Long. Hiện tại, phần lớn lao động tỉnh nhà đăng ký xuất khẩu lao động có hoàn cảnh khó khăn, nếu không có chính sách vay vốn thì không đủ điều kiện kinh phí để đi nước ngoài. Vì vậy số lao động có nhu cầu vay vốn chiếm tỷ lệ hơn 95%. Trong năm 2021-2023, công ty đã thực hiện 162 hồ sơ vay vốn, giải ngân 16,2 tỷ đồng, giúp hơn 160 lao động có đủ chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, những năm qua, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên đến nay, hoạt động này đang dần hồi phục, công tác đưa người lao động đi nước ngoài đang được mở rộng ở các thị trường, tăng về số lượng và chất lượng, nhất là các thị trường có mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và thị trường mới ở Australia và Israel... Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Người lao động sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác. Trong 3 năm từ 2021-2023, ngân hàng thực hiện cho vay 565 lao động với số tiền hơn 38 tỷ đồng, bình quân mỗi lao động vay 68 triệu đồng…
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, tỉnh có quy mô dân số 1.028.822 người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 582.943 người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 568.495 người, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 2,88%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,87%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 22,42%. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lao động đi làm việc ở nước ngoài không đạt kế hoạch đề ra (815/1.700 lao động), nhu cầu vay vốn của người lao động không nhiều (chỉ có 13 lao động). Năm 2023, đại dịch Covid-19 được kiểm soát, số lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt so với kế hoạch đề ra (1.706/1.700 lao động), nhu cầu vay vốn của người lao động tăng gấp 2,15 lần so với năm 2022. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà cho biết: “Thị trường lao động năm 2024 có bước khởi sắc, một phần do chúng ta chủ động theo dõi nắm bắt thông tin trước và sau Tết. Để góp phần bảo đảm thị trường lao động bền vững, an toàn cũng như bảo đảm việc làm cho người lao động, chúng tôi chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường, kịp thời kết nối, phối hợp tuyển dụng lao động hiệu quả hơn” ■