Thị trường lao động Anh phục hồi

Những dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện trên thị trường lao động Anh khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong ba tháng cuối năm 2022 ở mức 3,7%, gần với mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1970. Tuy vậy, còn nhiều yếu tố rủi ro đe dọa kìm hãm đà phục hồi này, trong đó nổi bật là mâu thuẫn xoay quanh vấn đề tiền lương cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà máy sản xuất ô-tô ở Coventry, Anh. (Ảnh Reuters)
Một nhà máy sản xuất ô-tô ở Coventry, Anh. (Ảnh Reuters)

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt (G.Hăn) thông báo, tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong ba tháng cuối năm 2022 ở mức 3,7%, gần với mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Ðây là dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của thị trường lao động. Bộ trưởng Jeremy Hunt nhấn mạnh, trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay mà tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thị trường lao động. Quan chức này cũng nêu rõ, điều tốt nhất có thể làm cho người lao động là tiếp tục thực hiện kế hoạch giảm 50% tỷ lệ lạm phát trong năm 2023. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tiền lương không bao gồm tiền thưởng đã tăng 6,7% trong quý IV/2022, nhưng lại giảm 2,5% khi tính đến yếu tố lạm phát.

Nền kinh tế Anh đã tránh được suy thoái "trong gang tấc" với mức tăng trưởng bằng 0 trong quý IV/2022. Lạm phát của Anh trong tháng 12/2022 giảm nhẹ xuống mức 10,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn gần với mức cao nhất trong 40 năm qua do hóa đơn năng lượng tăng vọt bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine. Tăng trưởng GDP của Anh trong quý IV/2022 vẫn thấp hơn 0,8% so với trước đại dịch Covid-19, trong khi tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn khác đều đã phục hồi vượt mức trước đại dịch. Dù bày tỏ hoan nghênh trước thông tin kinh tế Anh tránh được suy thoái, các quan chức Xứ sở sương mù vẫn thận trọng cảnh báo về tình hình lạm phát khi giá tiêu dùng cao ngất ngưởng, gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ngân hàng trung ương Anh nhận định, kinh tế nước này có thể bước vào suy thoái trong năm 2023 nhưng thời gian suy thoái sẽ ngắn hơn và ít nghiêm trọng hơn so với các dự báo trước đây.

Giữa lúc kết quả đàm phán về vấn đề tiền lương giữa Chính phủ và các tổ chức công đoàn còn chưa ngã ngũ, làn sóng đình công của người lao động tiếp diễn ở một số ngành nghề chủ chốt, vừa đe dọa triển vọng phục hồi của thị trường lao động, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Các cuộc đình công gia tăng trên khắp nước Anh trong lĩnh vực truyền thông, giáo dục, vận tải và y tế, khiến nhiều trường học đóng cửa, dịch vụ vận tải đường sắt ngưng trệ gần như trên toàn quốc. Mới đây, khoảng 15.000 thành viên của Unison, tổ chức công đoàn lớn nhất đại diện cho nhân viên tại Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS), đã tiến hành đình công. Trong khi đó, cuộc đình công của khoảng 70.000 nhân viên, giáo vụ tại các trường đại học thuộc Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng (UCJ) cũng gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập tại khoảng 150 trường đại học ở Anh. Làn sóng đình công đã kéo dài từ mùa hè năm 2022 đến nay. Những người lao động yêu cầu tăng lương phù hợp với đà tăng của lạm phát để có thể trang trải các hóa đơn thực phẩm và năng lượng tăng vọt.

Chính phủ Anh đang đứng trước những áp lực nặng nề khi phải giải quyết các tranh chấp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Giảm 50% mức lạm phát là một trong những mục tiêu chính của chính quyền Thủ tướng Anh Rishi Sunak (R.Xu-nác) trong năm nay. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh nêu rõ, Chính phủ nước này sẽ thực hiện các biện pháp giảm tác động của lạm phát và khẳng định rằng, đàm phán là hướng tiếp cận đúng đắn cho các mâu thuẫn hiện nay thay vì đình công ■