Thị trường dầu đang có những biến động bất thường
Kết thúc tháng 11, giá dầu thô WTI và Brent giảm lần lượt 20% và 16% so mức đỉnh vào cuối giai đoạn tháng 10, chấm dứt đà tăng kéo dài liên tục trong vòng 2 tháng trước đó. Xu hướng giảm được khởi đầu khi vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran được công bố sẽ sớm nối lại sau gần nửa năm trì hoãn. Tiếp đó là việc Mỹ kêu gọi các quốc gia tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hợp tác để giải phóng kho dầu dự trữ. Tuy nhiên, lực bán chỉ thực sự mạnh lên sau khi các nước châu Phi liên tục công bố sự xuất hiện của biến chủng nCoV mới có tên là Omicron. Khi mới được phát hiện, biến chủng này được cho là có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn nhiều so biến thể Delta. Ngay sau thông tin này, giá dầu thô thế giới đã chìm vào sắc đỏ trên cả Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) và Sở Giao dịch liên lục địa (ICE).
Thị trường đã có sự hồi phục đáng kể từ đầu tháng 12, khi các thông tin về biến chủng Omicron đang có chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để dự báo về một giai đoạn ổn định của giá dầu, khi diễn biến giá trong phiên vẫn có những sự rung lắc nhất định, phản ánh tâm lý bất ổn của thị trường trước biến số Omicron này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/12, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 trên Sở Giao dịch giao dịch hàng hóa New York giảm điều chỉnh 1,96% xuống 70,94 USD/thùng trong khi giá dầu Brent kỳ hạn tháng 2 trên Sở Giao dịch liên lục địa giảm 1,85% xuống 74,42 USD/thùng.
Chỉ số MXV-Index Năng lượng, thể hiện sự biến động các mặt hàng dầu thô, xăng và khí tự nhiên ngày hôm qua giảm 0,96% xuống còn 3.256,9 điểm. Tuy vậy giá trị giao dịch các mặt hàng thuộc nhóm Năng lượng vẫn đạt mức cao 5.040 tỷ đồng, do thị trường có tính hai chiều, giúp cho giao dịch diễn ra sôi động trong suốt phiên.
Biến chủng Omicron là giọt nước tràn ly
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gợi lại ký ức đáng quên khi đại dịch Covid-19 và sau đó là biến thể Delta được phát hiện. Các thị trường tài chính toàn cầu như hàng hóa và chứng khoán đều đồng loạt giảm mạnh khi giới đầu tư muốn tìm đến các kênh trú ẩn an toàn khi biến chủng mới có thể tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu.
Không chỉ thế, việc các quốc gia châu Âu đưa ra những động thái phòng vệ trước làn sóng Covid-19 mới cũng càng tạo ra tâm lý tiêu cực, thậm chí có một số thời điểm trở nên thái quá trên thị trường. Cụ thể, nhiều quốc gia đã lập tức ban hành các chính sách đóng cửa biên giới, nâng tiêu chuẩn đối với người nhập cảnh và thậm chí cấm hoàn toàn các hành khách đến từ Châu Phi, nơi xuất hiện của biến thể Omicron.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đang đánh giá những phản ứng dây chuyền trên là “thái quá”. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, thực tế, khu vực châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, đã phải trải qua một đợt bùng phát dịch mạnh kéo dài một tuần trước khi chủng Omicron được phát hiện. Do vậy, biến thể mới này chỉ như “giọt nước tràn ly” để các nước thiết lập những biện pháp an ninh kể trên.
Không những thế, rủi ro từ đại dịch cũng là động lực thúc đẩy nhiều quỹ và công ty đầu tư lớn tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình để chuyển sang các loại tài sản có tính trú ẩn an toàn hơn. Vì vậy, việc các thị trường giảm sâu là điều dễ hiểu. Thậm chí vào thời điểm đó, thông tin về các triệu chứng và tỉ lệ tử vong do Omicron gây ra đều không rõ ràng và các ca nhiễm cũng chỉ mới xuất hiện tại khu vực Nam Phi.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia từ Nam Phi, sau 2 tuần phát hiện biến thể Omicron, các triệu chứng của biến thể mới nhẹ hơn nhiều so những người mắc Covid-19 trước đây. Cụ thể, với số mẫu vừa đủ, các bệnh nhân nhiễm Omicron chỉ phải nằm viện trung bình 2,8 ngày với tỷ lệ tử vong dưới 7%, trong khi những con số này vào thời điểm 18 tháng trước là 8,5 ngày và 17% tử vong với chủng virus Covid-19 đầu tiên. Mặc dù vậy, tốc độ lây lan của biến thể Omicron là khá nhanh khi sẽ sớm vượt qua chủng Delta về số ca nhiễm trong ngày.
Giá dầu và các kịch bản trong tháng cuối năm 2021
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, tác động từ biến thể Omicron lên các thị trường tài chính nói chung hay thị trường giao dịch hàng hóa nói riêng sẽ nhanh chóng qua đi, tạo không gian cho sự phục hồi sau đà giảm do chính nó gây ra. Một số dự đoán còn cho rằng, với khả năng lây lan nhanh cùng với những triệu chứng nhẹ và không gây tử vong, chủng Omicron có thể sẽ giúp thế giới tạo hệ miễn dịch cộng đồng để chống lại đại dịch Covid-19. Mới đây, công ty Pfizer và BioNTech còn công bố về việc 3 liều vaccine của họ có thể bảo vệ con người khỏi biến thể Omicron.
Chúng ta cũng nên lưu ý rằng, giai đoạn cuối năm cũng có nhiều yếu tố phụ trợ khiến thế giới tiêu thụ nhiều dầu hơn. Đầu tiên, tháng 12 luôn là giai đoạn cao điểm đối với ngành du lịch khi các dịp lễ lớn như Giáng sinh và Năm mới diễn ra, trực tiếp tăng nhu cầu sử dụng xăng và nhiên liệu máy bay phục vụ cho việc di chuyển.
Cuối cùng, hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina, với xác suất rất cao sẽ diễn ra trong mùa đông năm nay, cũng sẽ giúp gia tăng việc sử dụng nguyên liệu từ dầu hoặc các sản phẩm liên quan cho mục đích sưởi ấm. Khi nhu cầu tăng lên, trong khi sản lượng khai thác không tăng tương ứng, giá dầu nhiều khả năng sẽ vẫn neo ở các vùng giá cao trong tháng 12 này.