Thị trường chứng khoán châu Á cũng có phản ứng tương tự khi mở cửa phiên giao dịch sáng 28/7.
Tại New York (Mỹ), chốt phiên giao dịch ngày 27/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,4% lên 32.197,59 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 2,6% lên 4.023,61 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 4,1% lên 12.032,42 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE tại thị trường London (Anh) chốt phiên tăng 0,6% lên 7.348,23 điểm. Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,5% lên 13.166,38 điểm trong khi chỉ số CAC 40 ở Paris (Pháp) tăng 0,8% lên 6.257,94 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,9% lên 3.607,78 điểm.
Theo chuyên gia phân tích Edward Moya thuộc công ty phân tích tài chính Oanda, việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm là do tín hiệu của FED về khả năng cơ quan này giảm tốc độ tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó.
Còn mở đầu phiên giao dịch ngày 28/7, chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,75%, tương đương 209,14 điểm, tạm đứng ở mức 27.924,89, trong khi đó chỉ số Topix tăng 0,42%, tương ứng với 8,24 điểm, lên mức 1.953,99 điểm.
Trước đó, cũng trong ngày 27/7, FED đã công bố một đợt tăng lãi suất mạnh nữa, đẩy mạnh nỗ lực của Chính phủ Mỹ trong việc kéo lạm phát xuống từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định của FED, thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm % lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%.
Đây là lần thứ 2 trong 2 tháng qua FED đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, một mức tăng đáng kể có khả năng làm nền kinh tế Mỹ chậm lại. Tháng 6 vừa qua, FED đã tăng lãi suất vào tháng trước thêm 0,75 điểm %, lần tăng đầu tiên ở mức này kể từ năm 1994 sau khi lạm phát tăng cao hơn trong tháng 5/2022 so với dự kiến của các chuyên gia kinh tế.
Mặc dù các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của FED đã kìm hãm thị trường nhà ở cũng như giá trị cổ phiếu và dẫn tới sự gia tăng nhẹ của việc sa thải lao động, nhưng điều này vẫn chưa tạo ra tác động đáng kể đến lạm phát.