Giá trị giao dịch toàn Sở trong tuần vừa qua đạt trung bình 4.100 tỷ đồng mỗi phiên, tuy giảm nhẹ so với tuần trước đó, nhưng dòng tiền phân bổ đều hơn ở 4 nhóm mặt hàng, không chỉ tập trung phần lớn vào nhóm năng lượng và nông sản như các tuần trước.
Giá nông sản Chicago giảm mạnh, ngược chiều giá nhập khẩu tại Việt Nam
Dầu đậu tương là mặt hàng dẫn đầu mức giảm của toàn nhóm nông sản với gần 5% thấp hơn mức tham chiếu, và là tuần giảm đầu tiên của mặt hàng này sau 8 tuần tăng liên tiếp trước đó. Đây là diễn biến chung của nhóm dầu thực vật trong tuần qua.
Giá dầu cọ trên sở Bursa sau khi tăng 5 tuần liên tiếp lên mức đỉnh lịch sử, cũng đã giảm mạnh gần 10% trong tuần vừa rồi khi giới đầu tư chốt lời kết hợp với việc chính phủ Indonesia gỡ bỏ các chính sách giới hạn xuất khẩu. Indonesia hiện vẫn đang là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất trên thế giới trong năm 2022.
Mặc dù chịu áp lực từ giá dầu đậu, tuy nhiên lo ngại về nguồn cung tại Nam Mỹ khi chính phủ Argentina tạm dừng xuất khẩu các đơn hàng mới đối với các sản phẩm từ đậu tương giúp giá khô đậu chỉ giảm không đáng kể 0,1 USD, về mức 477 USD/tấn Mỹ.
Giá lúa mì Chicago giảm mạnh gần 4% về 1.063,75 cents/giạ khi thị trường kỳ vọng vào việc xung đột Nga-Ukraine sớm kết thúc. Đối với ngô, tồn kho ethanol tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm, và đà giảm của lúa mì cũng khiến cho ngô giảm mạnh 2,7% về 741,75 cents/giạ.
Ngành chăn nuôi nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên việc giá nông sản thế giới biến động cũng ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất. Đã 2 năm liên tiếp giá nông sản tăng vọt trong khi giá thịt đầu ra lại lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành “chao đảo” vì sức ép từ cả 2 đầu.
Mặc dù giá nguyên liệu thế giới đang có dấu hiệu bình ổn trở lại nhưng giá nông sản nhập khẩu về nước ta vẫn không ngừng tăng lên. Cước phí vận tải biển tăng “phi mã” đang tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp và khiến cho các nhà máy vẫn e ngại mua hàng.
Giá ngô nhập khẩu tại các cảng miền Bắc đều đã tăng 200-300 đồng/kg so với tuần trước. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến hết 15/3, nước ta đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn ngô, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái và khối lượng này mới chỉ đạt 50% lượng hàng cần thiết tại các nhà máy trong giai đoạn hiện tại.
Trong khi đó, một loại nguyên liệu khác cũng có tỷ trọng lớn trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là khô đậu tương cũng tăng giá rất mạnh. Giá khô đậu tương nhập khẩu giao tháng 5 đã tăng 1.000 đồng/kg lên mức 16.500 đồng/kg trong tuần này và các nhà máy ở Việt Nam mới chỉ mua khoảng 30% lượng hàng do giá nhập khẩu liên tục tăng cao từ đầu năm.
Áp lực giảm sâu nhưng giá dầu vẫn giữ mốc 100 USD
Giá dầu giảm 2 tuần liên tiếp khi thị trường cân nhắc các yếu tố liên quan đến tình hình giữa Nga-Ukraine. Cụ thể, giá WTI giảm 3,02% xuống 103,09 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 4,21% xuống 107,93 USD/thùng.
Mặc dù đã hạ nhiệt, tuy nhiên giá dầu vẫn kết thúc tuần trên mức 100 USD/thùng. Thực chất, giá giảm tương đối mạnh trong các phiên đầu tuần trước các tiến triển giữa đàm phán ngoại giao giữa Ukraine và Nga. Ukraine đã thừa nhận rằng nước này sẽ không thể gia nhập vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO, mở đường cho Nga và Ukraine tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy vậy, thất bại trong việc đạt được tiếng nói chung tại vòng đàm phán thứ 4, kết hợp với tình hình chiến sự thực tế vẫn ngày càng căng thẳng đã đẩy giá dầu lên cao trở lại. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung các sản phẩm xăng dầu của Nga có thể sẽ giảm 3 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022. Các lệnh trừng phạt và hiện tượng “tự cấm vận” trên thị trường quốc tế đối với ngành năng lượng của Nga là yếu tố chính dẫn đến sản lượng giảm.
Trong khi đó, các nỗ lực cắt giảm tiêu thụ dầu cũng chỉ có thể khiến nhu cầu giảm tối đa khoảng 1 triệu thùng/ngày. Như vậy, theo cơ quan này, thị trường dầu thô sẽ duy trì tình trạng mất cân bằng cung-cầu trong quý II năm nay.
Bên cạnh các bất ổn liên quan đến nguồn cung dầu tại Nga, phía các nước sản xuất lớn tại Trung Đông cũng đang đối mặt với các khó khăn riêng. Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, đang đối mặt với các vụ tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các phức hợp năng lượng. Điều này có thể gây khó khăn trong mục tiêu gia tăng sản lượng trong thời gian tới.
Không chỉ Saudi Arabia, mà các thành viên khác trong khối Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ cũng đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thực tế của nhóm trong tháng 2/2022 đang thấp hơn 1,05 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề xuất. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ cũng không nỗ lực gia tăng các hoạt động sản xuất.
Dịch Covid-19 phần nào được kiểm soát tại Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý cho thị trường. Một số biện pháp chống dịch tại thành phố Thâm Quyến, khu vực sản xuất lớn tại phía đông đã được nới lỏng, mở đường cho các nhà máy và hệ thống giao thông công cộng vận hành trở lại. Điều này sẽ giảm thiểu tác động của dịch đối với nền kinh tế Trung Quốc nói chung và nhu cầu tiêu thụ dầu nói riêng. Tại Mỹ, việc Ngân hàng Trung ương FED tăng lãi suất ở mức 0,25 điểm % được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Như vậy, dưới áp lực từ nguồn cung thiếu hụt, kết hợp với nhu cầu tiêu thụ duy trì ở mức cao, nhiều khả năng giá dầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong thời gian tới. Ẩn số lớn nhất là diễn biến giữa Nga và Ukraine, tuy vậy, sau 3 tuần kể từ khi các căng thẳng bắt đầu, khả năng tình hình nhanh chóng được cải thiện cũng không quá lớn.
Nhóm kim loại biến động mạnh, giá thép khả năng vẫn neo cao trong thời gian tới
Nhóm kim loại quý đồng loạt giảm mạnh với giá vàng giảm hơn 3% về 1.921,1 USD/ounce, giá bạc cũng đóng cửa thấp hơn 4,1% còn 25,1 USD/ounce. Bạch kim là kim loại mất giá nhiều nhất trong số ba mặt hàng với mức giảm gần 5% về 1.035,9 USD/ounce.
Diễn biến trái chiều thể hiện rõ ràng đối với nhóm kim loại cơ bản. Trong khi giá đồng lấy lại sắc xanh với mức tăng 2,5% thì giá quặng sắt giảm 3% còn 152,8 USD/tấn, chủ yếu do tình hình căng thẳng ở biển Đen và nhu cầu của Trung Quốc. Theo MXV, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên vào tháng này, trong bối cảnh sản xuất phục hồi trở lại sau khi hạn chế được nới lỏng. Theo đó, xu hướng chung của giá quặng sắt thế giới sẽ có biến động cùng chiều, mặc dù có thể chứng kiến những biến động giằng co nhất định.
Trên thị trường nội địa, giá nguyên liệu thô đầu vào như quặng sắt và than biến động mạnh cũng khiến các doanh nghiệp thép phải liên tục điều chỉnh tăng giá bán. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sức tiêu thụ trong nước, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, khi nào giá nguyên liệu thô còn chưa hạ nhiệt thì giá thép sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Cuộc đua thị phần giữa các doanh nghiệp càng trở nên gay gắt hơn.