Trước đó, từ 8 giờ sáng nay, các cán bộ làm công tác coi thi đã họp tại các điểm thi. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trên cả nước đã có khoảng 900 nghìn thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, trong số này, có hơn 600 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Trong buổi làm thủ tục dự thi chiều nay, các thí sinh trực tiếp có mặt tại điểm thi để kiểm tra lại lần cuối các thông tin dự thi trước khi chính thức bước vào môn thi đầu tiên. Nếu thấy có những sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên…, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại Điểm thi. Trường hợp bị mất thẻ Căn cước công dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh phải báo cáo ngay cho trưởng Điểm thi để xem xét, xử lý.
Cũng trong buổi làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ nghe phổ biến Quy chế thi và những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thi.
Năm nay, Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nên các thí sinh sẽ phải đeo khẩu trang trong quá trình đi thi và trong phòng thi.
Bộ GD-ĐT cho biết đã lưu ý tới các cán bộ làm công tác thi là có thể có những trường hợp sử dụng khẩu trang để gian lận.
Trong tình huống này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho rằng: Nếu có đủ điều kiện, địa phương nên trang bị đồng loạt khẩu trang y tế cho thí sinh. Còn nếu không, chúng ta quy ước sẽ sử dụng khẩu trang y tế; những thí sinh mang khẩu trang khác, có nghi vấn thì sẽ phát khẩu trang dự phòng được trang bị sẵn tại các Điểm thi cho các em.
Về việc này, theo quan điểm của Cục trưởng là "Cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để làm sao vừa bảo đảm an toàn cho thí sinh về phòng chống Covid-19, đồng thời cũng phòng ngừa được gian lận".
Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh cần tiếp tục làm công tác tuyên truyền, giáo dục để học sinh nhận thức rằng, trong hoàn cảnh dịch bệnh thách thức Bộ GD-ĐT, các địa phương, các thầy cô giáo, cơ quan liên quan đã cố gắng, quyết tâm để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng. “Mọi gian lận nếu bị phát hiện thì thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất” - ông nói.
Theo Bộ GD-ĐT, đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đã được triển khai về cơ bản theo đúng kế hoạch, theo lộ trình để đến ngày mai các địa phương, các Điểm thi chính thức khởi động cuộc thi tại các địa phương.
“Mặc dù có nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, nhưng các địa phương đã có rất nhiều cố gắng. Tôi đánh giá các địa phương đều đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới”.
Ngay khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh với các địa phương về phương án dự phòng cho các trường hợp: thiên tai bất thường như lũ quét, dịch bệnh… Khi dịch bùng phát trở lại Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương đã có những văn bản rất cụ thể cho việc tổ chức thi trong hoàn cảnh này.
Ngay trước thềm diễn ra Kỳ thi, ông Mai Văn Trinh lưu ý: “Chúng ta thực hiện mục tiêu kép là Kỳ thi vẫn diễn ra bình thường nhưng phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Những nơi nào chưa an toàn, có F1, F2 thì sẽ thi vào đợt khác”. Do vậy, ông nhấn mạnh các địa phương cần luôn xác định thí sinh, các thầy cô giáo phải được thi, làm thi trong môi trường an toàn. Các địa phương phải tiến hành các giải pháp như tiến hành khử khuẩn cho các phòng thi trước và sau quá trình tổ chức thi, mọi điểm thi phải có bộ phận y tế thường trực sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra…