Thí sinh đặc biệt cao tuổi nhất
Ông Nguyễn Huy Kỳ năm nay mặc dù đã 82 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn và dẻo dai. Bước ra khỏi điểm thi Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân sau khi hoàn thành môn cuối cùng, ông tỏ ra vô cùng phấn khởi.
Chân tập tễnh phải chống nạng, ông cho hay: Trước đây khi còn trẻ, ông từng đi bộ đội và bị thương nên phải cắt cụt một chân. Mặc dù đã được lắp chân giả nhưng việc đi lại vẫn khó khăn nên ông phải dùng nạng hỗ trợ.
“Ngày còn trẻ, khi sắp tốt nghiệp cấp 3 thì tôi đi bộ đội. Lúc đó, nhà trường đặc cách cho tốt nghiệp sớm nhưng tôi lại không nắm được thông tin này. Về sau, khi xuất ngũ, các thầy cô đều nghỉ hưu nên không ai chứng nhận cho tôi”, thí sinh 82 tuổi kể.
Trở lại thời bình, cuộc sống cuốn ông Kỳ đi khiến giấc mơ tốt nghiệp bị gác lại hàng chục năm trời. Hết tham gia công tác xã hội, trở thành Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân (Hà Nội), ông lại mải miết với chuyện dựng vợ, gả chồng cho các con.
Mãi đến khi gần chạm ngưỡng bát thập, ông mới “rảnh rang” hơn và quyết định nối lại nghiệp đèn sách đang dở dang ngày nào. Năm học 2019-2020, ông đăng ký học bậc Trung học Phổ thông tại một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên tại Hà Nội. Các bạn học kém xa tuổi dần quen với hình ảnh một cụ ông tóc lâm râm trắng, tay chống nạng, tập tễnh bước vào lớp.
Sau 60 năm xa rời đèn sách, học sinh đặc biệt Nguyễn Huy Kỳ lại có những đêm thao thức vì một bài toán khó; hay trăn trở vì một áng văn. Khoảng cách lứa tuổi cũng như kiến thức đổi mới khiến ông gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, giấc mơ ngày trẻ lại trở thành động lực lớn khiến ông từng bước vượt qua và hoàn thành 3 năm trên ghế cấp 3 của mình.
"Tôi thấy mình trẻ ra khi học cùng các cháu. Bí quyết bắt kịp bạn trẻ của tôi đó là hay tiếp xúc với các cháu, trong lớp bạn nào thích nói chuyện thì tôi sẽ nói chuyện. Việc học với tôi có lẽ khó khăn nhất là những bài toán chưa ra hiệu số, có lúc vặt đầu, vặt tai. Tôi được các bạn có kiến thức tốt hơn chỉ bảo, chia sẻ nên tôi vượt qua được", ông Kỳ kể.
Kết thúc 3 năm đèn sách, ông Kỳ bước vào kỳ thi quan trọng nhất của mình. Điều đặc biệt, đồng hành cùng ông lần này còn có cả người cháu nội. Cháu ông thi tại điểm Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy). Sau mỗi bài thi, hai ông cháu lại rôm rả trao đổi với nhau xem cả hai có làm được bài không.
“Ông học của cháu, cháu học từ ông. Đó thực sự là một trải nghiệm thú vị”, ông Kỳ hải hước nói.
Viết tiếp giấc mơ từ tuổi 82
Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng là cách ông Kỳ “hiện thực hóa” và viết tiếp một giấc mơ khác của mình từ tuổi 82.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông cho hay: Một trong những lý do quan trọng để ông quyết tâm tham gia kỳ thi ở độ tuổi xưa nay hiếm là bởi ông muốn hành nghề Đông y theo truyền thống gia đình.
“Để có thể hành nghề, tôi bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp cấp 3 thì mới nộp hồ sơ đi học tiếp được. Các bài thi 2 ngày qua, tôi khá hài lòng với bài thi của mình. Riêng môn Toán không phải thế mạnh nhưng tôi hy vọng tất cả sẽ đạt điểm trên trung bình”, thí sinh 82 tuổi hồ hởi chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm, điều ông mong muốn nhất đó là có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông để sang tháng được trường y sĩ của Sở Y tế nhận vào học tập.
“Ở tuổi này tôi mong muốn việc gì hợp sức, hợp pháp luật đã là điều rất phấn khởi với mình rồi. Tôi cũng mong các bạn phải cố gắng học tập thành tài, đất nước cần nhiều người tài. Có như vậy đất nước mới phát triển", ông Kỳ nhắn gửi.
Các tình nguyện viên có mặt làm nhiệm vụ tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân cũng ấn tượng đặc biệt với thí sinh “lão làng”. Tất cả không thể quên được hình ảnh một cụ ông thường đến trường thi từ rất sớm bằng xe máy ba bánh rồi một mình tự chống nạng vào phòng. Ban đầu, họ còn nghĩ ông đưa người nhà đến thi, nhưng khi biết chuyện, các tình nguyện viên đều rất khâm phục.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay ở địa phương có 2 thí sinh lớn tuổi đăng ký dự thi, trong đó đáng chú ý có 2 thí sinh cao tuổi đăng ký dự thi gồm: Cụ ông sinh năm 1940 (82 tuổi) và cụ bà sinh năm 1969 (53 tuổi).
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, 2 thí sinh ở độ tuổi rất cao nhưng vẫn học tập và đăng ký dự thi để lấy bằng xét tốt nghiệp là những tấm gương về tinh thần hiếu học, học tập suốt đời.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022