Thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc tra cứu thông tin về bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân gắn chíp. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong dữ liệu về căn cước công dân.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06).
Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể trong năm 2022 là “Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân (căn cước công dân), ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID), trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế (bảo hiểm y tế)”.
Để thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành (sau đây gọi chung là các đơn vị) chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức khám, chữa bệnh cho người bệnh có căn cước công dân gắn chíp tích hợp mã thẻ bảo hiểm y tế hoặc qua ứng dụng VNEID. Trong đó, các đơn vị cần lưu ý một số nội dung sau.
Trước hết, cơ sở khám, chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID. Việc này chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp.
Tài khoản định danh điện tử gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển.
Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia), hệ thống sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
Để đăng ký tài khoản định danh điện tử, Công dân thông báo với cán bộ Công an cấp huyện, quận, tỉnh, thành phố về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email). Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo (nếu công dân có nhu cầu tích hợp các thông tin này vào hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử).
Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Cùng với đó, với người bệnh đã được cấp căn cước công dân có gắn chíp, trong trường hợp khi kiểm tra căn cước công dân (quét mã QR), hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về bảo hiểm y tế và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành. Đồng thời, các đơn vị thông tin cho người bệnh biết để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế kể từ lần sau bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID.
Bên cạnh đó, khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ bảo hiểm y tế trên căn cước công dân chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành (xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Ngoài ra, đối với người bệnh chưa được cấp căn cước công dân có gắn chíp, thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành (xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn tạm thời này. Bộ Y tế sẽ thống nhất với Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có tài liệu hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật hoặc hàm API (nếu có), để các đơn vị thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị (nếu có), đề nghị các đơn vị tổng hợp, kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (qua Vụ Bảo hiểm y tế) để được xem xét, giải quyết hoặc để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.
Đến giữa tháng 1 năm 2022, Bộ Công an đã in, trả về cho công an địa phương gần 60 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06 và thành lập tổ công tác triển khai Đề án. Đồng thời, nhằm bảo đảm tiến độ triển khai sử dụng căn cước công dân, ứng dụng VNEID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh theo Đề án, từ ngày 11/2/2022, BHXH Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân (tham gia bảo hiểm y tế) trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu về dân cư; cung cấp, chia sẻ các bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.