Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, đến nay, nông dân thành phố đã thu hoạch xong hơn 68.000 ha lúa thu đông 2023 (vụ ba), năng suất ước đạt 55,07 tạ/ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Vụ thu đông năm nay, nông dân Cần Thơ chủ yếu sản xuất các loại lúa chất lượng cao và lúa thơm như: OM 5451, OM 18, OM 380, Ðài Thơm 8... Nhiều loại thóc tươi được nông dân bán với giá từ 7.300-8.500 đồng/kg, mức giá cao nhất trong nhiều năm qua. Với giá này, nông dân có lợi nhuận hơn 3 triệu đồng/công, cao hơn hai lần so với vụ thu đông năm trước.
Hội thảo quốc tế về văn hóa Óc Eo
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á”. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học thực hiện trong giai đoạn 2017-2020; tiếp tục làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa và mối quan hệ của đô thị cổ Óc Eo trong giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới trong giai đoạn 10 thế kỷ sau Công nguyên; làm sáng rõ và sâu sắc hơn những giá trị nổi bật của di tích Óc Eo-Ba Thê trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ và lịch sử Vương quốc Phù Nam...
Triển lãm cổ vật Óc Eo tại hội thảo. |
Cà Mau có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký ban hành quyết định đưa Nghề tôm khô tỉnh Cà Mau và Lễ hội truyền thống vía Bà Thủy Long (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 7 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm di sản được công nhận trước đó, gồm: Nghệ thuật Đờn ca tài tử (di sản chung với các tỉnh Nam Bộ, được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); nghề thủ công truyền thống “Gác kèo ong”; nghề thủ công truyền thống “Muối ba khía”; Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; nghệ thuật Nhạc Trống lớn của người Khmer.
Nghề làm tôm khô ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. |
Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch triển khai nội dung chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa tỉnh Đồng Tháp với Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo đó, sáu lĩnh vực hợp tác trọng tâm, gồm: Phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; kết nối cung-cầu, xúc tiến đầu tư-thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, triển khai hai nội dung hợp tác song phương về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nâng cao chuỗi giá trị 5 ngành hàng chủ lực (lúa, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen); hợp tác vận động nguồn lực xã hội hóa cho an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.