Thế giới vượt mốc 263 triệu ca nhiễm Covid-19, biến thể Omicron tiếp tục lan rộng

NDO -

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp cùng với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, khiến nhiều nước siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch và áp đặt các hạn chế đi lại.

Thế giới vượt mốc 263 triệu ca nhiễm Covid-19, biến thể Omicron tiếp tục lan rộng

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 1/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 263.013.699 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.232,.581 ca tử vong. Số ca hồi phục là 237.498.100 ca.

Thế giới vượt mốc 263 triệu ca nhiễm Covid-19, biến thể Omicron tiếp tục lan rộng -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Tâm dịch châu Âu vẫn diễn biến hết sức phức tạp khi trong 24 giờ qua, châu lục này chiếm hơn một nửa số ca mắc (61,5%) và tử vong (58%) mới vì Covid-19 toàn cầu, với lần lượt 355.914 ca mắc và 4.378 ca tử vong, so với 578.522 ca mắc và 7.540 ca tử vong ghi nhận trên toàn cầu.

Thế giới vượt mốc 263 triệu ca nhiễm Covid-19, biến thể Omicron tiếp tục lan rộng -0
Đồ họa: TRUNG HƯNG 

Đáng chú ý, biến thể mới Omicron lần đầu phát hiện ở Nam Phi hiện đã lan sang 10 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) với 42 ca nhiễm. Theo bà Andrea Ammon, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), nhà chức trách EU đang phân tích các mẫu bệnh phẩm của 6 ca nghi nhiễm khác.

Giám đốc ECDC cho biết thêm, các ca mắc biến thể mới cho đến nay đều có biểu hiện bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng và hầu hết ở các nhóm tuổi trẻ. Cũng theo bà Ammon, kết quả nghiên cứu về việc liệu Omicron có khả năng tránh được cơ chế miễn dịch của cơ thể hay không dự kiến sẽ có trong vài tuần tới.

Nhà chức trách Hà Lan ngày 30/11 thông tin, biến thể mới nhiều khả năng đã tồn tại ở nước này sớm nhất là vào ngày 19/11, trước cả khi 2 chuyến bay đến từ Nam Phi được cho là đã mang theo biến thể Omicron tới Hà Lan.

Viện Y tế Công cộng quốc gia (RIVM) cho biết, đã tìm thấy biến thể mới trong 2 mẫu xét nghiệm được lấy vào ngày 19 và 23/11. Hiện vẫn chưa rõ liệu những người này đã đến Nam Phi hay chưa.

Trong khi đó, những ca đầu tiên nhiễm biến thể mới ở Hà Lan trước đó được xác định là ít nhất 14 người trên 2 chuyến bay từ Johannesburg và Capetown (Nam Phi) tới sân bay Schiphol tại Amsterdam vào ngày 26/11. Khoảng 61 trong số hơn 600 hành khách trên 2 chuyến bay này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã được cách ly.

Thế giới vượt mốc 263 triệu ca nhiễm Covid-19, biến thể Omicron tiếp tục lan rộng -0
 Hành khách chờ xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Schiphol, Amsterdam, Hà Lan, ngày 27/11/2021. (Ảnh: Reuters)

Nhà chức trách Hà Lan cũng đang liên lạc và xét nghiệm khoảng 5.000 hành khách khác đến từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.

Tại Hà Lan, các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn đã có hiệu lực từ chủ nhật, nhằm hạn chế tỷ lệ nhiễm Covid-19 hàng ngày hiện đã lên tới hơn 20 nghìn ca và giảm bớt áp lực cho các bệnh viện.

Sự xuất hiện của biến thể mới cùng với việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về "nguy cơ lây nhiễm cao" trên toàn cầu do biến chủng này khiến nhiều quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại, chủ yếu tới nam châu Phi, phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế thế giới mới "chớm nở" sau đại dịch, cũng như các khu vực ở châu Âu vốn đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ tư khi mùa đông bắt đầu.

Anh và Mỹ đều bắt đầu xúc tiến các chương trình tiêm ngừa Covid-19 tăng cường để ứng phó với biến thể mới. Anh tái áp dụng yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng. Hành khách quốc tế đến Anh sẽ phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Hy Lạp cho biết, tiêm chủng sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với những người trên 60 tuổi, nhóm được coi là dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19.

Bồ Đào Nha dự kiến sẽ khai trương trung tâm tiêm chủng lớn nhất nước trong ngày hôm nay, đồng thời các hạn chế mới cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12, nhằm ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này.

Thế giới vượt mốc 263 triệu ca nhiễm Covid-19, biến thể Omicron tiếp tục lan rộng -0

Các công tác chuẩn bị đang được tiến hành trước ngày khai trương trung tâm tiêm chủng Covid-19 lớn nhất Bồ Đào Nha ở thủ đô Lisbon, ngày 30/11/2021. (Ảnh: Reuters) 

Theo đó, trung tâm tiêm chủng mới tại Lisbon có thể đáp ứng nhu cầu tiêm 6.000 mũi và tăng lên 9.000 mũi mỗi ngày nếu cần thiết. Hiện các cơ quan y tế nước này đang tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường cho những người trên 65 tuổi và nhóm dễ bị tổn thương, nhằm mục tiêu tiêm tăng cường cho 1/4 dân số vào cuối tháng 1 năm sau.

Để đối phó với tỷ lệ lây nhiễm đang gia tăng, Chính phủ Bồ Đào Nha đã yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở các không gian công cộng trong nhà, khuyến khích làm việc từ xa và yêu cầu tất cả hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không, kể cả những người đã tiêm phòng đầy đủ phải có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.

Nước láng giềng Tây Ban Nha vừa xác nhận ca thứ hai nhiễm biến thể Omicron hôm qua. Đó là 1 phụ nữ 61 tuổi ở Madrid, trở về Tây Ban Nha từ Nam Phi qua Amsterdam (Hà Lan). Người này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca và không biểu hiện các triệu chứng mắc Covid-19.

Trước đó, Tây Ban Nha đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể vào thứ hai ở 1 người đàn ông 51 tuổi. Người này cũng trở về từ Nam Phi qua Hà Lan nhưng trên 1 chuyến bay khác với trường hợp trên. Hai trường hợp nghi mắc khác ở Catalonia đang được xác nhận. Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ có vào thứ sáu.

Ireland cũng sẽ yêu cầu tất cả hành khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan của biến thể mới Omicron. Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ thứ sáu.

Bộ trưởng Y tế Ireland Stephen Donnelly cho biết, nhiều khả năng biến thể mới đã có mặt tại nước này. Ireland đang xem xét 11 trường hợp nghi ngờ nhiễm Omicron sau khi các xét nghiệm ban đầu cho thấy, các mẫu bệnh phẩm của các ca bệnh này có đặc điểm khác biệt với biến thể Delta.

Thế giới vượt mốc 263 triệu ca nhiễm Covid-19, biến thể Omicron tiếp tục lan rộng -0

Biển báo yêu cầu đeo khẩu trang bên ngoài 1 trung tâm tiêm chủng ở Dublin, Ireland, ngày 30/11/2021. (Ảnh: Reuters) 

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết đang xem xét áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn đà tăng các ca mắc Covid-19 cùng sự xuất hiện của biến thể Omicron. Chính phủ sẽ tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương về việc có yêu cầu bắt buộc xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng, phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc xét nghiệm âm tính để tới các sự kiện công cộng hay không.

Theo các quy định mới được đề xuất, chứng nhận này sẽ là yêu cầu bắt buộc để tham dự các cuộc nhóm họp trong không gian kín từ 11 người trở lên và các sự kiện ngoài trời từ 300 người trở lên. Đeo khẩu trang cũng sẽ là yêu cầu bắt buộc ở tất cả các không gian kín tại khu vực công cộng. Chính phủ cũng đề xuất giảm hiệu lực của các xét nghiệm Covid-19 hiện tại từ 72 giờ xuống 48 giờ. Các biện pháp mới nếu được thông qua sẽ có hiệu lực cho đến ngày 24/1 năm sau.

Trước đó, Thụy Sĩ đã thắt chặt các hạn chế nhập cảnh từ 19 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Anh và Nam Phi. Nước này cũng đã ghi nhận ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron

Canada quyết định mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách từ miền nam châu Phi lên tổng số 10 quốc gia, với thêm 3 nước gồm Nigeria, Malawi và Ai Cập được bổ sung vào danh sách cấm. Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos, cho biết, Canada sẽ yêu cầu những khách đến bằng đường hàng không từ tất cả các quốc gia ngoại trừ Mỹ phải xét nghiệm Covid-19.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm thứ ba khuyến cáo công dân Mỹ không nên đến Niger, Papua New Guinea, Ba Lan và Trinidad và Tobago. CDC hiện liệt kê khoảng 80 điểm đến theo phân loại “cấp độ 4” với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao, sau khi Nhà Trắng công bố các hạn chế đi lại mới để đối phó với biến thể Omicron.

Trong khi đó, WHO kêu gọi các quốc gia áp dụng "phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng và rủi ro" khi áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, bao gồm cả việc sàng lọc hoặc cách ly đối với hành khách quốc tế. Tổ chức này cho rằng các lệnh cấm đi lại đại trà sẽ không ngăn được sự lây lan của biến thể Omicron.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ông hiểu rõ mối lo của các nước trước biến thể Omicron. Song Tổng giám đốc WHO cũng bày tỏ lo ngại rằng một số quốc gia thành viên của WHO đang đưa ra các biện pháp không phù hợp, và điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.