Trong 24 giờ qua, tại vùng dịch lớn nhất thế giới là Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao, với lần lượt 143.373 ca và 1.216 ca, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này lên hơn 13,61 triệu ca; tổng số ca tử vong cũng đã vượt mức 272.000 ca.
Toàn khu vực Bắc Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 165.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở khu vực này lên hơn 15,85 triệu ca.
Khu vực Nam Mỹ trong 24 giờ qua cũng ghi nhận thêm 73.553 ca nhiễm mới và 1.049 ca tử vong. Riêng Brazil - vùng dịch lớn nhất khu vực, đã chiếm tới gần 70% số ca nhiễm mới trong ngày của toàn khu vực này. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Brazil là 6,29 triệu ca, chiếm gần 60% tổng số ca nhiễm của toàn khu vực.
Ngày 27-11, Chính phủ Peru tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế thêm 90 ngày cho đến đầu tháng 3-2021 để bảo đảm tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Chính phủ Peru cũng nới lỏng một số hạn chế trong ngành dịch vụ và du lịch nhằm kích hoạt lại nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng. Chính phủ nước này cho phép các ngành vận tải hàng không, đường bộ và đường biển khôi phục lại toàn bộ 100% công suất hoạt động thay vì 50% như hiện nay.
Cùng ngày, Bộ Y tế Peru thông báo đã đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và Cơ chế tiếp cận vaccine phòng Covid-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) nhằm bảo đảm cung cấp cho người dân 23,1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Cụ thể, Bộ Y tế Peru đã ký một thỏa thuận ràng buộc với Pfizer để mua 9,9 triệu liều vaccine và một thỏa thuận cam kết khác để nhập 13,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 thông qua Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ. Tính đến nay, Peru đã ghi nhận 960.368 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 35.879 ca tử vong.
Trong khi đó, tại châu Âu trong 24 giờ qua xác định hơn 193.000 ca nhiễm mới, trong đó Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục (27.100 ca), tiếp sau là Italy (26.323 ca), Ukraine (16.294 ca) và Anh (15.871 ca). Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, toàn châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 16,92 triệu ca nhiễm và 386.694 ca tử vong. Hiện "lục địa già" cũng là khu vực có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới.
Đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm là châu Á với hơn 16,51 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 128.225 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh trong khu vực với hơn 9,39 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao với 41.815 ca.
Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm đã lên tới 2,16 triệu ca. Trong đó, Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 tại châu lục này, đã ghi nhận tổng cộng 785.139 ca, sau khi ghi nhận thêm 3.198 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Tại khu vực Đông Nam Á, ngày 29-11, Bộ Y tế Campuchia đã xác nhận 7 ca mắc Covid-19, trong đó có 6 người là thành viên gia đình một phụ nữ có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và đã đi mua sắm ở siêu thị Aeon Mall 1 ngày 28-11.
Trường hợp nữ bệnh nhân trên là người Mỹ gốc Campuchia, trở về nước ngày 27-11 sau khi quá cảnh Hàn Quốc trên chuyến bay có 57 hành khách. Tối 28-11, Chính phủ Campuchia quyết định đóng cửa tạm thời siêu thị Aeon Mall 1 ở thủ đô Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia cũng đang triển khai các biện pháp để tìm kiếm những người đã tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân tại siêu thị Aeon Mall 1.
Tính đến ngày 28-11, Campuchia đã phát hiện tổng số 308 người mắc Covid-19 (trong đó có 63 nữ và 245 nam); có 299 bệnh nhân đã được chữa khỏi và 9 người đang được điều trị.
Trong khi đó, tại Myanmar, Ủy ban quốc gia về phòng ngừa, kiểm soát và điều trị Covid-19 ngày 28-11 thông báo gia hạn giai đoạn áp đặt các biện pháp chống dịch Covid-19 đến hết ngày 15-12. Đây được xem là một phần trong nỗ lực ngăn chặn tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh hiện nay.
Theo thông cáo của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.344 ca mắc mới Covid-19 và 22 ca tử vong. Tính đến hết ngày 28-11, nước này đã ghi nhận tổng cộng 87.977 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.887 ca tử vong. Cho đến nay đã có 67.588 ca phục hồi và được xuất viện.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 15 giờ ngày 29-11 (giờ Việt Nam):
5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 13.610.357 ca mắc, 272.254 ca tử vong
2. Ấn Độ: 9.393.039 ca mắc, 136.733 ca tử vong
3. Brazil: 6.290.272 ca mắc, 172.637 ca tử vong
4. Nga: 2.269.316 ca mắc, 39.527 ca tử vong
5. Pháp: 2.208.699 ca mắc, 52.127 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 527.999 ca mắc, 16.646 ca tử vong
2. Philippines: 427.797 ca mắc, 8.333 ca tử vong
3. Myanmar: 87.977 ca mắc, 1.887 ca tử vong
4. Malaysia: 63.176 ca mắc, 354 ca tử vong
5. Singapore: 58.205 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 3.966 ca mắc, 60 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.341 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 308 ca mắc
9. Brunei: 150 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 39 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 16.920.777 ca mắc, 386.694 ca tử vong
2. Châu Á: 16.511.398 ca mắc, 288.482 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 15.855.164 ca mắc, 405.835 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 11.058.219 ca mắc, 323.909 ca tử vong
5. Châu Phi: 2.163.810 ca mắc, 51.589 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 44.773 ca mắc, 1.014 ca tử vong