Thầy giáo trẻ đam mê sáng tạo kỹ thuật

Trong đội ngũ nhà giáo ở huyện nghèo Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, thầy giáo Cao Hùng Thọ (sinh năm 1985), giáo viên Trường THCS xã Tân Hóa luôn được đánh giá là một giáo viên giỏi, đảng viên gương mẫu, được đồng nghiệp và học sinh quý mến. Bên cạnh việc tận tụy với sự nghiệp "trồng người" thầy còn có nhiều sáng tạo kỹ thuật xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.

Thầy giáo Cao Hùng Thọ hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài sáng tạo kỹ thuật.
Thầy giáo Cao Hùng Thọ hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài sáng tạo kỹ thuật.

Xã Tân Hóa, nơi thầy Thọ dạy học là vùng "rốn lũ" trong mùa mưa bão nhưng lại là bãi bồi ven sông cây trồng tươi tốt. Nhận thấy, người dân trồng được nhiều loại cây, trong đó có cây tỏi nhưng chỉ bán phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày nên giá trị thấp, lại không cất giữ được lâu, thầy Thọ nảy ra ý nghĩ sáng chế ra mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để chế biến tỏi tươi thành tỏi đen. Thầy Cao Hùng Thọ cùng hướng dẫn hai học trò triển khai mô hình. Thiết bị gồm một hình hộp chữ nhật có chiều dài khoảng 1 m, cao khoảng 0,7 m, rộng khoảng 0,5 m, bên trên có một lớp kính trong suốt, bên dưới lớp kính là tấm tôn phẳng sơn mầu đen. Mặt phía trong hộp được làm bằng xốp cách nhiệt, có thêm chậu nước ở dưới để tạo ẩm. Bên trong hộp có treo các bóng đèn để tạo nhiệt độ khi tỏi lên men. Mặt trước thiết bị có gắn công tắc để đóng điện, một bộ điều khiển nhiệt độ và độ ẩm, một mô-đun cảm biến nhiệt độ 12V và bình ắc-quy. Chi phí tạo ra sản phẩm khoảng 600 nghìn đồng.

Với thiết bị này, người sử dụng xếp tỏi củ vào hộp thật đều, không nén quá chặt, rồi đưa hộp ra dưới ánh nắng để đến khi nhiệt độ trong hộp đạt 650-700C là mức nhiệt độ cần thiết để tỏi lên men đều, hiệu quả nhất. Nhiệt độ và độ ẩm này được duy trì thường xuyên trong khoảng 35-50 ngày, khi đó tỏi trắng sẽ biến thành tỏi đen với mùi thơm đặc trưng. "Với tỏi củ bình thường khi chuyển qua mầu đen có vị chua ngọt, mùi thơm, giá trị về dinh dưỡng cũng như kinh tế của củ tỏi tăng gấp nhiều lần. Đây là một thiết bị mà thầy trò chúng tôi rất tâm huyết. Việc ứng dụng vào thực tế đã mang lại kết quả ngoài mong đợi và được người dân đánh giá rất cao"- thầy Thọ chia sẻ.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo Minh Hóa, thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời do thầy giáo Cao Hùng Thọ và hai học sinh Tân Hóa nghiên cứu, sáng chế đoạt Giải ba quốc gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Bên cạnh thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời, thầy giáo Cao Hùng Thọ còn là chủ nhân của nhiều sáng chế hữu ích khác để phục vụ cuộc sống như sản phẩm sấy mật ong bằng năng lượng mặt trời hay thiết bị chưng cất loại bỏ độc tố andehit và methanol ra khỏi rượu.

Ở vùng "rốn lũ" nên hầu như năm nào Trường THCS Tân Hóa cũng bị ngập vài mét nước. Có năm vừa dọn vệ sinh xong, lũ lại chồng lên lũ, quần quật nhiều ngày các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh mới dọn sạch bùn đất để dạy học trở lại. Thấu hiểu sự vất vả đó, thầy Cao Hùng Thọ cùng nhóm học sinh ở Tân Hóa nghiên cứu, sáng chế ra thiết bị vệ sinh bùn đa năng dùng cho các trường ở vùng lũ. Qua nhiều lần cải tiến và nâng cấp, nhóm nghiên cứu đã sáng chế nên thiết bị hoàn chỉnh khi cải tạo máy cắt cỏ thành máy bơm có trọng lượng nhẹ, gắn lên phao nổi trên mặt nước để có thể hạ theo mực nước. Máy bố trí bốn vòi phun áp lực để tăng hiệu suất phun nước làm nhão bùn, phía sau hàn một giá để lắp bộ phận khuấy và đẩy bùn, bộ phận chà sàn được làm bằng gỗ có gắn bàn chải ở mặt dưới và có khả năng gấp lên hạ xuống. Máy còn có thêm một vòi phun áp lực treo trên giá đẩy có nhiệm vụ phun rửa tường. Sau cùng của máy là bộ phận phun thuốc khử trùng được gắn vào giá đẩy có chức năng phun thuốc khử khuẩn sau khi dọn sạch bùn.

Thực tế sử dụng tại Trường THCS Tân Hóa trong mùa lũ vừa qua cho thấy, thiết bị vệ sinh bùn đa năng có nhiều ưu điểm, chỉ cần một người vận hành, thiết bị được tích hợp có khả năng điều chỉnh vòi phun và diện tích làm sạch rộng hơn. Trước đây, 20 thầy, cô giáo dọn 23 phòng trong trường phải mất 48 giờ lao động cật lực. Khi có thiết bị thì sáu người làm việc trong 12 giờ và phòng sạch sẽ hơn nhiều. Trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, thiết bị này giúp làm giảm sức người và đạt hiệu quả cao hơn.

Thầy giáo Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Hóa nhận xét, thời gian qua nhiều giáo viên và học sinh các trường đã tích cực nghiên cứu, sáng chế ra các thiết bị có tính thực tiễn cao. Nổi bật nhất là tấm gương đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật và sáng tạo của thầy Cao Hùng Thọ. Ở bất cứ ngôi trường nào, cùng với việc làm tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, thầy Thọ đã không ngừng học tập, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều thiết bị được ứng dụng vào thực tế góp phần nâng cao giá trị, chất lượng nông sản của người dân địa phương vừa thân thiện, vừa bảo vệ môi trường. Thầy cũng là người "mát tay" khi hướng dẫn cho nhiều nhóm học sinh có các sáng chế kỹ thuật đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Với những thành tích nổi bật đó, năm 2019, thầy Cao Hùng Thọ vinh dự được bình chọn là giáo viên tiêu biểu toàn quốc và được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều giấy khen, bằng khen khác. Thầy cũng được Tỉnh ủy Quảng Bình tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.