Thay đổi tư duy để nông nghiệp Bình Phước bước vào giai đoạn phát triển mới

Tỉnh Bình Phước đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản dẫn đầu khu vực Ðông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Bình Phước trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, một giải pháp phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.
Nông dân Bình Phước trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, một giải pháp phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Phước triển khai thực hiện hàng loạt chương trình, dự án để từng bước hiện thực hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhất là các chương trình, đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ðến nay, toàn tỉnh có hơn 14.000 ha diện tích cây trồng được chăm sóc theo quy trình tiêu chuẩn sạch, tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học. Toàn tỉnh hiện có 77 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 4.500 ha phục vụ xuất khẩu.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn, theo chuỗi giá trị, giảm dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, chuỗi liên kết chăn nuôi. Tổng đàn đại gia súc của tỉnh hiện có hơn 52.000 con. Chăn nuôi heo tiếp tục phát triển với tổng đàn hơn 2 triệu con phân bổ ở 421 trại, trong đó hệ thống trại kín, lạnh chiếm gần 70%...

Nhờ chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn dịch bệnh gắn với liên kết chuỗi, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong năm 2024 tăng 5,5%, tiếp tục dẫn đầu khu vực Ðông Nam Bộ.

Người dân đang chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ mô hình sản xuất cá thể sang tập thể gắn với 210 hợp tác xã và 111 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Từ nguồn nguyên liệu cây trồng, vật nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể đã xây dựng được 141 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao.

Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 11 với mục tiêu tổng quát cho cả giai đoạn 2020-2025 là: “Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại” vào cuối năm 2025.

Một trong những giải pháp để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững là sự định hướng phát triển của tỉnh và người nông dân cũng thay đổi tư duy sản xuất. Nhà nông Lầu Sỹ Nịp đã có gần 40 năm gắn bó với nghề nông trên vùng đất thuộc thôn 5, xã Long Bình, huyện Phú Riềng. Hơn 10 năm trước, ông từng đốn hạ cả một nông trại điều, cà-phê với tổng diện tích 30 ha để trồng nhãn.

Sau 5 năm, đến khi cây có trái mới biết mình trồng nhầm giống, thêm một lần nữa ông phải “bấm bụng” đốn nhãn chuyển sang trồng bưởi và sầu riêng. Chưa dừng lại ở đó, ông thuê đất trồng thêm cây giá tỵ, bông giấy, dừa, chà là, nhãn, sầu riêng với tổng diện tích gần 50 ha.

Từ canh tác nông nghiệp vô cơ, ông chuyển sang canh tác nông nghiệp hữu cơ, từ chuyên canh sang đa canh để thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu. Vườn cây ăn trái đa tầng, đa tán của ông đang dần chuyển sang mô hình kinh tế nông nghiệp phục vụ du khách yêu thích miệt vườn. Ðó cũng là cách để ông quảng bá thương hiệu cho vườn cây ăn trái của mình.

Còn tại thôn 6, xã Phước Sơn, huyện Bù Ðăng, hơn 30 năm ông Nguyễn Văn Hùng gắn bó với cây sầu riêng cũng là khoảng thời gian ông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để tích lũy kinh nghiệm.

Ngoài 15 ha sầu riêng của gia đình, ông còn thuê thêm 50 ha sầu riêng để làm kinh tế nông nghiệp.bCùng với phân chuồng, ông Hùng còn mua cả tấn trứng gà để phối trộn cùng chế phẩm EM làm phân vi sinh bón cho vườn cây. Nhờ cách làm này, 5 năm trước, vườn cây của gia đình ông đã đạt chứng nhận GlobalGAP.

Năm 2022, khi nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực, vườn sầu riêng của gia đình ông được đặc cách cấp mã số vùng trồng đầu tiên của tỉnh Bình Phước. Với ông, việc canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp nhà nông có ba cái lợi trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.

“Mình làm nông nghiệp hữu cơ có cái lợi trước mắt là cây sầu riêng không bị nhiễm tuyến trùng dẫn đến thối thân, xì mủ. Cái lợi thứ hai là anh em công nhân không bị nhiễm hóa chất trong quá trình canh tác nông nghiệp. Và cuối cùng là người tiêu dùng có sản phẩm sạch, an toàn để sử dụng” - ông Hùng chia sẻ.

Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Phước, nhà nông trẻ Trần Văn Quyết ở thôn 3, xã Thống Nhất, huyện Bù Ðăng đã đầu tư trồng 20 ha sầu riêng giống Blacthon chỉ cần ba công chăm sóc. Từ bón phân, tưới nước, phun thuốc đều thông qua hệ thống công nghệ tưới tiết kiệm.

Từng hàng sầu riêng trong trang trại đều được đánh số thứ tự để quản lý tình hình sâu bệnh hại cũng như chất lượng đầu ra cho nông sản. “Ðầu tư ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nhà nông tiết kiệm tối đa công lao động mà còn từng bước hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp” - anh Quyết cho biết.