Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững

Phát triển kinh tế xanh và bền vững là giải pháp mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp - vừa có thể tiết kiệm nhiên liệu sản xuất, vừa thực hiện trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng. Ðây cũng là chủ trương lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội những năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số PGI của Bà Rịa-Vũng Tàu có sự thăng hạng vượt bậc, từ thứ 19 năm 2022 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng năm 2023. Trong ảnh: Một góc đường 3/2, thành phố Vũng Tàu xanh tươi.
Chỉ số PGI của Bà Rịa-Vũng Tàu có sự thăng hạng vượt bậc, từ thứ 19 năm 2022 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng năm 2023. Trong ảnh: Một góc đường 3/2, thành phố Vũng Tàu xanh tươi.

Những hành trình bền bỉ

Khu du lịch Suối Rao Ecolodge (Thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm trên một triền đồi thoai thoải với diện tích 5 ha, nối liền rừng phòng hộ Xuân Sơn. 15 năm trước, nơi đây chỉ là một vùng đất sỏi đá, chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày.

Thay vì đầu tư vào dự án bất động sản nhiều lợi nhuận, bà Lê Thị Nga (chủ nhân Suối Rao Ecolodge) đã bền bỉ biến vùng đất này thành một khu sinh thái với hơn 1 triệu cây xanh (khoảng 700 loài). Trong đó có 18 loài cây gỗ quý hiếm của Bà Rịa-Vũng Tàu như: cẩm lai, chiêu liêu, giáng hương huyết, gõ đỏ, gõ mật, sến mù, lát hoa, vên vên, sưa đỏ, cẩm liên, thàn mát cánh trồng. Ngoài ra, Suối Rao Ecolodge còn ươm giống được 300 loại dược liệu quý.

Sau 15 năm kiên trì bền bỉ với định hướng phát triển xanh, bền vững, tháng 4/2024, Suối Rao Ecolodge đã được Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) công nhận là điểm đến trung hòa các-bon - Netzero Station đầu tiên tại Bà Rịa-Vũng Tàu. “Ðiều này góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, cải thiện chất lượng sống của người lao động, nâng cao trải nghiệm du lịch xanh, có trách nhiệm của du khách khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu”, bà Nga khẳng định.

Tại Nhà máy Heineken Việt Nam (thị xã Phú Mỹ), các tiêu chí môi trường cũng được đặt lên hàng đầu, 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Hiện nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đang vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo. Bã hèm và men thừa đều được tái sử dụng làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi; các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế.

100% nước thải của nhà máy đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn, sử dụng cho mục đích tưới cây và làm vệ sinh tại các nhà máy. “Toàn bộ Nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn Tái tạo-Chia sẻ-Tối ưu hóa-Tái sử dụng-Số hóa-chuyển đổi”, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam chia sẻ.

Huyện Côn Ðảo nổi lên là một trường hợp điển hình trong công tác giảm thiểu sử dụng nhựa, trong nỗ lực đưa hòn đảo du lịch xinh đẹp này trở thành điểm đến thân thiện với môi trường. Ủy ban nhân dân huyện Côn Ðảo và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) ký cam kết “Côn Ðảo-Ðiểm đến giảm nhựa”. Với cam kết này, Côn Ðảo trở thành địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Ðô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF.

Theo đó, Côn Ðảo phấn đấu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025, tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch và hạn chế tồn đọng rác thải nhựa tại Khu bảo tồn biển Côn Ðảo. Ðể đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành và cả cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách…

Nhìn lại hành trình gần 3 năm phấn đấu cho Côn Ðảo dần trở thành điểm đến giảm nhựa, huyện đảo đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Ðảo với thông điệp “Ðến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương” được lan tỏa rộng rãi tại sân bay, bến tàu; các điểm đến (như Nghĩa trang Hàng Dương, Vườn quốc gia Côn Ðảo, các bãi biển…); các cơ sở lưu trú; các đơn vị lữ hành; nhà hàng, quán ăn… bằng việc dán poster và phát sổ tay “Giảm nhựa khi du lịch Côn Ðảo”. Qua đó truyền thông đến du khách trong và ngoài nước thông điệp giảm nhựa tại Côn Ðảo.

Quyết tâm chuyển từ “nâu” sang “xanh”

Nhìn lại hành trình chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) để thấy, trong năm 2022, hồ sơ PGI tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có điểm số 15,42; xếp hạng thứ 19 trên cả nước. Trong khi đó, năm 2023, chỉ số PGI của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 11 bậc, từ vị trí thứ 19 lên thứ 8 trên bảng xếp hạng.

Những con số này minh chứng cho nỗ lực bảo vệ môi trường trong nhiều năm và khẳng định rõ quan điểm của tỉnh: “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Sự thăng tiến trong bảng xếp hạng PGI đã khẳng định thương hiệu của Bà Rịa-Vũng Tàu hấp dẫn các nhà đầu tư, đồng thời người dân được hưởng thụ một môi trường trong lành hơn.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Quốc Ðăng cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tác động đến nhiều địa phương, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh xanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, việc tiếp nhận các dự án đầu tư, cần có đánh giá đa chiều về những ảnh hưởng lâu dài đến môi trường. Qua đó, tạo động lực để tạo ra giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.

Ðể duy trì và nâng cao chỉ số PGI, thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Ðẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khẩn trương triển khai các dự án (đê, kè biển; dự án thoát nước; dự án xử lý nước thải đô thị); vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước; tăng cường bảo vệ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh…

Ðồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; triển khai các giải pháp giảm thoái hóa đất…

Ðáng chú ý, ngành tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai mạnh mẽ các giải pháp, xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm các điểm đen môi trường, kết hợp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường với chỉnh trang đô thị… Ðồng thời, chủ trì triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn; bảo vệ, trồng rừng, cải tạo cảnh quan môi trường, nâng tỷ lệ che phủ rừng, tăng chất lượng và giá trị của rừng.