Thành phố Hồ Chí Minh là mắt xích quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cũng như cả nước. Sự phát triển công nghiệp của thành phố mang tính dẫn dắt cho phát triển công nghiệp toàn vùng, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang “bùng nổ” trên toàn cầu.
Chuyển đổi là tất yếu
Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất (khu công nghiệp) hoạt động với tổng diện tích khoảng 4.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%. Các khu công nghiệp cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, chuyển giao kỹ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu, góp phần tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Qua đó, các khu công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố phát triển theo hướng công nghiệp tiên tiến. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, hiệu quả đầu tư chưa cao, giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp; hiệu quả sử dụng tài nguyên và thâm dụng lao động phổ thông còn nhiều, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện. Hiện, một số khu công nghiệp đã vận hành được một nửa chu kỳ hoạt động, đến năm 2041 và một số năm tiếp theo, sẽ có một số khu công nghiệp bắt đầu hết thời hạn 50 năm thuê đất của Nhà nước.
Ðiều này dẫn đến thực trạng, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc công nghệ, cũng như một số khu công nghiệp gặp khó khăn trong thu hút đầu tư những dự án mới, nhất là thu hút các dự án có hàm lượng chất xám, khoa học-công nghệ cao.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010, công nghiệp thành phố chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước; những năm gần đây, con số này đã giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng 8,7%. Giai đoạn 2011-2021, công nghiệp của thành phố chỉ tăng khoảng 4,11%, trong khi công nghiệp cả nước tăng bình quân hơn 7%/năm.
So sánh thực trạng phát triển công nghiệp cả nước và thành phố cho thấy, mức tăng trưởng bình quân công nghiệp của cả nước tăng trưởng nhanh hơn trong những năm gần đây. Từ thực trạng này, đặt ra yêu cầu phải định hướng phát triển lại công nghiệp của thành phố trong thời gian tới. Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng chuyển đổi theo chiều sâu, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao có tính lan tỏa, mang tính dẫn dắt, tạo chuỗi liên kết ngành.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho biết: Nhìn chung, chuyển đổi của thành phố đang thực hiện nhiều năm nay, thay vì phát triển dựa trên các ngành công nghiệp truyền thống, thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên, vốn… thì sắp tới thành phố sẽ chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, giảm phát thải nhà kính...
Xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi
Ðể tăng trưởng bền vững, theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh cần đặt ra các quan điểm về phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào các ngành công nghệ cao có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Thành phố cần chú trọng phát triển công nghiệp dựa trên các nền tảng đổi mới, năng động, sáng tạo, công nghệ cao, các ngành công nghiệp mới nổi… để tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng đến sản xuất thông minh, từ đó trở thành địa phương dẫn dắt công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.
Ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu tại Việt Nam nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh đang ở thời điểm then chốt trong quá trình phát triển kinh tế, các quyết định chiến lược liên quan đến việc ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sẽ định hình tương lai của thành phố.
Bằng cách tập trung vào các lĩnh vực như điện tử và sản xuất công nghệ cao, kinh tế số, dịch vụ công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, tài chính xanh… thành phố có thể tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của mình để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mục tiêu của thành phố là đưa nền công nghiệp trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, hạt nhân đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Ðể làm được điều này, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 (Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), thành phố phải xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi với ba nhóm vấn đề: Thứ nhất, hệ thống thể chế phù hợp, minh bạch, rõ ràng về chính sách và hướng hỗ trợ với vai trò Nhà nước kiến tạo hỗ trợ về mặt chính sách.
Thứ hai, xây dựng hạ tầng (hạ tầng giao thông, hạ tầng số…) phải tương xứng để phục vụ chuyển đổi. Thứ ba cũng là vấn đề rất quan trọng là nguồn nhân lực. Muốn làm chíp bán dẫn, AI (trí tuệ nhân tạo), Internet vạn vật (IoT)… phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Ba nhóm vấn đề này cộng lại hình thành hệ sinh thái chuyển đổi, giúp thành phố chuyển đổi công nghiệp nhanh, bền vững. “Thành phố Hồ Chí Minh không phải sản xuất ra cái gì, mà sản xuất bằng cách nào với công nghệ mới, đấy mới là vấn đề quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.