Mở rộng quy mô
Thời gian qua, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, sản xuất theo quy mô lớn, tập trung đang dần thay thế phương thức chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ðáng chú ý, người chăn nuôi có sự thay đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, theo hướng liên kết theo chuỗi.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Trường ở thôn Ngọc Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) đang nuôi 20 con bò thương phẩm và hiện anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng để nuôi thêm hơn 10 con nữa. Anh Trường cho biết: “Nhiều năm trước, gia đình tôi đã từng nuôi bò giống cũ nhưng theo phương pháp chăn thả truyền thống nhằm mục đích chính là lấy sức kéo.
Tuy nhiên, do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp, cộng thêm nhu cầu sức kéo không còn cho nên từ năm 2021 tôi đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại mở rộng quy mô để chuyển sang chăn nuôi bò 3B thương phẩm”.
Với mô hình này, quy mô chăn nuôi đã tăng lên. Theo đó, bò được nuôi nhốt 100%, gia đình anh Trường trồng thêm cỏ, ngô và tận dụng một số phế phụ phẩm nông nghiệp, men vi sinh, sử dụng bã đậu, bã bia, cám công nghiệp phối trộn để làm thức ăn cho bò. Bò được thương nhân đăng ký và về tận nơi thu mua mang đi tiêu thụ. Với phương pháp chăn nuôi này, đàn bò phát triển nhanh hơn, mỗi lứa lãi 10 triệu đồng/con. Dự kiến, thời gian tới anh Trường sử dụng phân bò để nuôi giun trùn quế, qua đó góp phần hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và nâng hiệu quả kinh tế.
Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Hòa Phú AFC ở thôn Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa thành lập từ năm 2020 và hiện tại có bảy hộ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng vịt, gà thương phẩm mỗi năm Hợp tác xã đưa ra thị trường khoảng 1.800 tấn qua các chợ đầu mối, cơ sở chế biến, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo anh Lê Văn Hưng, Giám đốc hợp tác xã: Tham gia liên kết chuỗi chăn nuôi vịt, gà an toàn sinh học, người dân được tiếp cận phương pháp sản xuất theo quy mô tập trung, được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Cùng đó, vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, sử dụng thức ăn bảo đảm dinh dưỡng theo tiêu chuẩn, chất lượng thịt thơm ngon hơn và khi bán ra thị trường được quản lý và truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho khách hàng. Không những vậy, việc thực hiện liên kết trong sản xuất chăn nuôi còn góp phần giảm các khâu trung gian, cũng chính là cách hướng tới phát triển sản xuất bền vững.
Thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi
Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp của tỉnh, hiện chiếm 46% sản xuất chung của ngành. Bên cạnh đối tượng vật nuôi chủ lực là lợn, gia cầm, trâu, bò, tỉnh Bắc Giang còn phát triển đa dạng các đối tượng vật nuôi đặc trưng như: Nuôi ong mật, nuôi ngựa bạch, dê...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 109 hợp tác xã, hơn 2.000 trang trại gia súc, gia cầm; duy trì 10 chuỗi chăn nuôi lợn, gia cầm gắn với giết mổ, chế biến; hai chuỗi chăn nuôi dê, bò gắn với tiêu thụ và hơn 100 trang trại liên kết chăn nuôi gia công. Tỷ lệ đàn bò lai hướng chuyên thịt tăng (chiếm 90%); số vòng quay nuôi lợn tăng từ hai lứa lên 2,5 lứa/năm; gà thả vườn từ hai lứa lên 3-4 lứa/năm; cả tỉnh có sáu cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, 104 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, một vùng chăn nuôi an toàn đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà.
Ông Lương Ðức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cho biết: “Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết giúp giảm chi phí sản xuất (mua thức ăn, thuốc thú y với giá của nhà sản xuất thông qua việc ký kết hợp đồng), bảo đảm được nguồn cung ứng sản phẩm vật tư đầu vào đúng, đủ chất lượng; tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới.
Ngoài ra, hình thức tổ chức sản xuất chăn nuôi này thuận tiệncho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hướng đến xây dựng thương hiệu và tạo hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù vậy, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hoạt động chăn nuôi nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao, sản xuất theo chuỗi liên kết chưa nhiều, liên kết còn thiếu bền vững, thị trường tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thương nhân, giá cả không ổn định, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước, chưa có sản phẩm xuất khẩu.
Trong khi đó, với quy mô sản xuất chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ sẽ rất khó để thực hiện liên kết chuỗi, đồng thời khó bảo đảm an toàn dịch bệnh và nguồn cung thực phẩm an toàn. Việc thực hiện kê khai trong chăn nuôi tại cấp cơ sở còn yếu, chưa triệt để, hiệu quả chưa cao.
Ðể khắc phục vấn đề nêu trên, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã tham mưu tỉnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách hỗ trợ cấp mã số định danh đối với các cơ sở chăn nuôi, nhất là cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại để góp phần bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý số lượng vật nuôi; qua đó giúp đưa ra dự báo, kế hoạch sản xuất trong cân đối cung cầu.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp chú trọng tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật mới để thúc đẩy phát triển sản xuất hướng đến sản xuất an toàn, bền vững; tăng cường giới thiệu, nhân rộng các mô hình liên kết, giúp nông dân hiểu và tham gia và hướng đến mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và giá cả cạnh tranh.