Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều tuyển thủ ngôi sao quốc gia cho dù được đầu tư tập huấn dài ngày ở nước ngoài hay thi đấu cho câu lạc bộ chuyên nghiệp ở các nước có nền thể thao phát triển vẫn không thể phát huy tài năng của mình. Chính vì mong muốn có được thành tích cao, một số vận động viên tài năng ở các bộ môn bơi lội, bóng chuyền, bóng đá buộc phải về nước hoặc trở về câu lạc bộ chủ quản, làm gián đoạn kế hoạch tập luyện và thi đấu đỉnh cao để tham gia các giải trẻ quốc gia cũng như quốc tế trong khu vực mà lý do là họ còn trong độ tuổi hoặc ở diện tăng cường.
Việc phụ thuộc, trông chờ vào những tuyển thủ ngôi sao ở một số bộ môn cũng làm cho các đội tuyển trở nên thụ động, không có sự thay thế cần thiết khi họ không thể tham gia thi đấu, ảnh hưởng đến thành tích chung của toàn đội.
Trước đây, cứ mỗi kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc hay Giải bơi lội vô địch quốc gia và các kỳ giải khu vực, nữ "kình ngư" Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên lại phải dừng kế hoạch tập huấn dài hạn ở Mỹ để về Việt Nam dự giải, nhằm mang về cho đơn vị chủ quản những tấm huy chương vàng. Tập luyện ngắt quãng cùng với một kế hoạch thiếu rõ ràng về giáo án phần nào khiến Ánh Viên không thể bứt phá nâng tầm ở cả ba kỳ Olympic, cho dù cô từng giành đến 25 Huy chương vàng SEA Games, Huy chương bạc, đồng châu Á và ASIAD.
Gần đây nhất là trường hợp của tiền vệ ngôi sao Quang Hải đang khoác áo câu lạc bộ Pau FC của Pháp không thể về nước thi đấu cho đội tuyển bóng đá quốc gia ở Giải vô địch Đông Nam Á - AFF Cup 2022 sắp tới. Pau FC đã thông báo họ sẽ không trả cầu thủ này vì Quang Hải cần cho kế hoạch của câu lạc bộ hơn và AFF Cup không thuộc hệ thống thi đấu của FIFA, cho nên không bắt buộc câu lạc bộ phải trả cầu thủ. Pau FC hoàn toàn có lý và khiến VFF, huấn luyện viên Park Hang-seo cũng như đông đảo người hâm mộ rất thất vọng.
Đã đến lúc chúng ta phải dần quen, học cách chấp nhận, thay đổi thói quen và lối tư duy cũ để tiến về phía trước. Tập trung đầu tư cho các vận động viên trọng điểm nhằm tới những mục tiêu lớn, nâng tầm thể thao Việt Nam ở các đấu trường châu lục và thế giới, chúng ta cần biết bỏ qua những mục tiêu nhỏ trước mắt, loại bỏ bệnh thành tích đã ngấm sâu ở các cấp độ quản lý của địa phương và trung ương.
Không nhất thiết buộc các vận động viên phải căng mình trên nhiều mặt trận để mang về nhiều huy chương như ở các giải trong nước và khu vực thời gian qua, nhất là khi các giải thi đấu đều ở tầm thấp so với khả năng của họ, ngoại trừ những giải thi đấu quốc tế tương xứng để tăng tính cọ xát, tích lũy kinh nghiệm.
Nhìn sang các nước chung quanh như Thái Lan, Singapore, có thể thấy họ đang có những tính toán chiến lược ở nhiều môn thể thao khi xây dựng kế hoạch đầu tư cho những cuộc đua đường dài mà đích nhắm là những đấu trường châu lục, thế giới.
Đặc biệt trong bóng đá, một số nước đã tập trung vào đội hình cầu thủ trẻ kế cận, tung họ thử lửa ở các giải đấu khu vực mà không đặt quá nặng vào thành tích đạt được như đã thấy ở SEA Games 31 vừa qua. Mục tiêu mà họ nhắm tới là tạo dựng một lứa cầu thủ đủ khả năng chinh phục những sân chơi lớn. Về lâu dài, sự đầu tư này sẽ thúc đẩy và phát huy tài năng của vận động viên và các cầu thủ, đồng thời giúp họ chủ động hơn trong các chiến lược và kế hoạch phát triển.
Chắc chắn đây sẽ là một bài toán khó đối với các nhà quản lý và làng thể thao nước ta do nhiều sự ràng buộc. Ai cũng hiểu khi không có nhiều huy chương, không có thành tích cao ở các giải trong nước và khu vực thì cũng đồng nghĩa với kinh phí rót về sẽ ít hơn, khó hơn. Nhưng nếu chúng ta không thay đổi lối tư duy này thì sẽ rất khó nói tới chuyện nâng tầm và vẫn mãi chỉ loanh quanh ở vùng trũng của thể thao châu lục và thế giới.