Thất bại của các thế lực đứng đằng sau giật dây ICTY

Những ngày qua, cái chết bất thường của cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic (ảnh bên) tại trung tâm giam giữ tù nhân của Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ (ICTY) trở thành sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

Ông S. Milosevic, một chính khách nổi lên trên chính trường Nam Tư từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20. Những bước thăng trầm về đời sống chính trị của ông gắn liền với lịch sử nhiều biến cố của CH Serbia nói riêng và LB Nam Tư (nay là LB Serbia và Montenegro) nói chung.

Do nhiều nguyên nhân, LB Nam Tư trước đây (gồm sáu nước CH là Serbia, Slovenia, Croatia, Macedonia, Bosnia - Herzegovina và Montenegro), tan rã đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Bốn trong sáu nước cộng hòa là Slovenia, Croatia, Bosnia - Herzegovina và Macedonia lần lượt tuyên bố tách ra khỏi nhà nước liên bang, trở thành quốc gia độc lập.

Việc các nước cộng hòa nói trên rút ra khỏi LB Nam Tư đã gây ra các cuộc xung đột gay gắt, trở thành các cuộc nội chiến giữa các dân tộc muốn duy trì nhà nước liên bang với các dân tộc tán thành việc tuyên bố độc lập.

Ðầu năm 1992, ban lãnh đạo Serbia và Montenegro, hai trong sáu nước CH còn lại của Nam Tư cũ (khi đó do các đảng cánh tả nắm quyền) đã tuyên bố thành lập LB Nam Tư mới gồm hai nước cộng hòa thành viên.

Là người sáng lập và là Chủ tịch đảng Xã hội Serbia (SPS), một đảng cánh tả theo khuynh hướng dân chủ độc lập, ông Milosevic cùng với SPS kiên trì bảo vệ lợi ích dân tộc, chống lại sự đối xử không công bằng của các nước phương Tây trong quan hệ đối với các dân tộc thuộc Nam Tư trước đây. Nhân dân Serbia đã bầu ông làm Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch CH Serbia năm 1989.

Tháng 12-1990, trong cuộc bầu cử đầu tiên có nhiều đảng tham gia ở nước CH này, ông Milosevic được bầu làm Tổng thống CH Serbia. Khi LB Nam Tư mới được thành lập tháng 4-1992, ông được bầu lại làm Tổng thống nước CH Serbia. Tháng 7-1997, ông Milosevic được QH liên bang bầu làm Tổng thống LB Nam Tư.

Trong những năm cuối cùng làm Tổng thống CH Serbia và từ khi được bầu làm Tổng thống LB Nam Tư, ông Milosevic đã phải  chịu sức ép từ các lực lượng chính trị đối lập trong nước và từ bên ngoài. Các nước phương Tây luôn buộc tội ông là người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, độc đoán; tìm mọi cách để lật đổ ông.

Họ đã dùng con bài "Kosovo", khuyến khích và xúi giục người gốc Albania ở đây hoạt động chống đối, gây rối hòng làm mất ổn định nước cộng hòa; tiếp tay cho các thế lực quá khích đòi ly khai ở tỉnh này đấu tranh vũ trang đòi độc lập; tài trợ cho các đảng thân phương Tây ở Montenegro thắng cử và ủng hộ xu hướng ly khai của họ nhằm làm tan rã LB Nam Tư mới. Nhằm gạt bỏ ông Milosevic và chính quyền cánh tả ở Serbia do ông lãnh đạo, tháng 6-1999, Mỹ  trao giải thưởng năm triệu USD cho ai bắt được ông. Ðến tháng 11 cùng năm, các nước phương Tây đưa một nhóm điệp viên đến Serbia ám sát ông nhưng không thành.

Trong cuộc  tổng tuyển cử  ở Nam Tư tháng 9-2000, chính quyền Mỹ chi 77 triệu USD để gây ảnh hưởng, thu hút phiếu cho phe đối lập, lật đổ ông Milosevic. Nguyên nhân sâu xa mà Mỹ và các nước phương Tây muốn loại bỏ ông Milosevic vì ông là người cánh tả có ảnh hưởng lớn ở Serbia và Balkan khi đó, không chịu khuất phục trước sức ép của họ; ngăn cản bước tiến của Mỹ và phương Tây xuống Nam Âu và Balkan, nhằm tranh giành ảnh hưởng với Nga.

Chính quyền thân phương Tây lên nắm quyền ở CH Serbia đã bắt giam ông Milosevic tháng 4-2001. Tháng 6 cùng năm, ông bị dẫn độ đến ICTY ở La Hay, Hà Lan. ICTY mở phiên tòa kéo dài hơn bốn năm và bị hoãn tới 22 lần do tình trạng sức khỏe của ông không cho phép. Bị bệnh tim mạch và huyết áp cao, lại không  được điều trị chu đáo trong tù, bệnh của ông ngày càng nặng.

Ông bị ICTY cáo buộc phạm 66 tội danh, trong đó có "tội ác chống lại loài người"; cho rằng, ông phải chịu trách nhiệm về việc LB Nam Tư tan rã, về các cuộc nội chiến ở Croatia, Bosnia-Herzegovina và xung đột sắc tộc ở Kosovo trong những năm 90 của thế kỷ trước.

Ngay từ đầu phiên tòa, ông S. Milosevic đã bác bỏ tính hợp pháp của ICTY, bác bỏ lập luận cho rằng, phiên tòa là công lý của người chiến thắng. Ông nói, ông không có tội và ông đã hành động theo Hiến pháp và pháp luật của LB Nam Tư. Ông buộc tội Mỹ và NATO, những kẻ xâm lược đem bom đạn dội xuống đầu dân thường, phá hủy đất nước Nam Tư. Ông đòi ICTY phải đưa các quan chức cấp cao Mỹ, các nước phương Tây và NATO ra làm chứng trước phiên tòa. Sau bốn năm kiên cường tự bảo vệ mình trước phiên tòa của ICTY, ông Milosevic tin tưởng ông sẽ chiến thắng trong phiên  xét xử cuối cùng dự kiến mở ngày 14-3. Nhưng ông đã đột ngột qua đời, trước khi phiên tòa bắt đầu.

Cái chết bất thường của ông Milosevic khiến cho ICTY phải tuyên bố kết thúc phiên tòa xét xử ông. ICTY và các thế lực điều khiển tòa án này đã vi phạm các quyền con người một cách trắng trợn khi không dành cho ông Milosevic sự chăm sóc y tế đầy đủ và không cho phép ông sang chữa bệnh ở Nga. Thất bại của ICTY trong việc xét xử ông Milosevic cùng tình trạng  xung đột sắc tộc, đòi ly khai do Mỹ và các nước phương Tây xúi giục và tiếp tay trước đây đang gây mất ổn định ở các nước CH thuộc Nam Tư cũ, cho thấy các thế lực muốn áp đặt ý đồ chính trị đen tối của mình lên các dân tộc khác, sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề và bị lên án đanh thép.