Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học VinUni, TS Lê Mai Lan cho biết, hội nghị quốc tế thường niên về đổi mới dạy và học do VinUni khởi xướng, với mong muốn không những tạo ra một “sân chơi phẳng”, nơi các nhà lãnh đạo giáo dục không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác toàn cầu mà còn để thảo luận, tìm giải pháp định hình tương lai của giáo dục. Thông qua hội nghị, các nhà lãnh đạo học thuật sẽ cùng cam kết hành động để tạo ra các thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục, gia tốc quá trình ươm mầm khởi nghiệp của sinh viên và rút ngắn thời gian đưa công trình nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào cuộc sống.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, hội nghị nhằm cập nhật những vấn đề thực tiễn về giáo dục của thế kỷ 21; đồng thời trao đổi, thảo luận về các phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập ở bậc đại học tại Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục tại trường trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Hội nghị là một diễn đàn mở, tạo cơ hội để các nhà khoa học, các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên, giảng viên phát triển quan hệ hợp tác, trao đổi, nghiên cứu với các đồng nghiệp trong cùng một lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu; nhận diện và thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời; phát triển hợp tác trong mạng lưới quản trị giáo dục; đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến cho Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị học tập đối với các cơ sở giáo dục đại học và định hướng quy trình triển khai, làm cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và công bố phương án triển khai mở rộng Bộ tiêu chí trong các cơ sở giáo dục đại học.
Bàn về các chiến lược quốc tế hóa để phát triển trường đại học kết nối toàn cầu tại Việt Nam, TS Nguyễn Thị Anh Thư, Phó Trưởng khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho rằng, trong thời đại 4.0, sinh viên chính là những công dân cần học hỏi nhiều kiến thức mới, kỹ thuật công nghệ, kỹ năng mới để giải quyết được các vấn đề. Kết quả đầu ra được nhà trường thiết kế ngay từ đầu, phù hợp nhu cầu của xã hội, khi đó sinh viên mới đủ sức cạnh tranh ngoài xã hội sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, với phương pháp học tập đặt sinh viên làm trọng tâm, nhà trường đã cùng sinh viên soạn thảo chương trình 4 năm học dựa trên kết quả đầu ra mà xã hội cần. Giáo án sẽ ưu việt cho các sinh viên tương ứng từng năm từ các kỹ năng nghiên cứu cơ bản đến kỹ năng nâng cao làm việc trong nhóm, trong xã hội; tham gia vào các nhóm nghiên cứu vấn đề của từng ngành để tìm ra giải pháp.
TS Nguyễn Thị Anh Thư nêu rõ, trường đại học giống như vườn ươm nhân tài khởi nghiệp. Họ có thể tham gia bất cứ doanh nghiệp nào để thể hiện tài năng của họ. Vì vậy, giảng viên phải điều chỉnh để thích ứng, phù hợp sinh viên.
PGS,TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho biết, mỗi trường phải có chiến lược riêng dựa trên tầm nhìn, thế mạnh của nhà trường. Bất cứ trường nào cũng cần sẵn sàng để sinh viên trở thành công dân toàn cầu. Để làm được điều này, sinh viên phải hiểu về toàn cầu, đồng thời cung cấp cho sinh viên công cụ về số hóa. Ngày nay, các trường cần thiết lập quan hệ đối tác, tạo ra mạng lưới trường đại học để trao đổi tri thức, chia sẻ chương trình, giáo trình...
Đáng chú ý, để giảm bớt khoảng trống giữa những gì trường dạy cho sinh viên và xã hội đòi hỏi cần có kiềng ba chân, cụ thể là học thuật-các ngành công nghiệp-nghiên cứu. Qua đó, sinh viên học được cách suy nghĩ tích cực, kỹ năng phản biện….
Theo Trưởng khoa Giáo dục quốc tế, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, PGS,TS Trương Đình Nhơn, toàn cầu hóa rất quan trọng với giảng dạy đại học. Nhà trường đã không ngừng đổi mới, sáng tạo để mang đến nguồn nhân lực tốt nhất. Một trong các chính sách quan trọng của trường là đầu tư vào con người, thay đổi tư duy của lãnh đạo và giảng viên. Cùng với đó, nhà trường gửi sinh viên đi thực tập ở các doanh nghiệp; mời doanh nghiệp đến trường giảng dạy cho sinh viên để sinh viên có kinh nghiệm và trải nghiệm.
Tại hội nghị, các chuyên gia giáo dục đề cập đến các bài học kinh nghiệm khi áp dụng phương pháp sư phạm quốc tế như học tập theo nhóm, học tập theo dự án, học tập trải nghiệm… trong điều kiện thực tế tại Việt Nam. Mặt khác cũng đưa ra các xu hướng mới có tiềm năng thành công đột phá như đưa nghiên cứu vào giảng dạy, giáo dục khởi nghiệp, trao quyền cho sinh viên, học tập tự định hướng và hệ sinh thái học tập trực tuyến.
Điểm nhấn quan trọng của hội nghị là tọa đàm bàn tròn giữa lãnh đạo các trường đại học xoay quanh các nội dung như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; Bình đẳng trong giáo dục; Trách nhiệm xã hội của trường đại học; Kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông; Vai trò của đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…