Tháo gỡ vướng mắc trong tự chủ kinh phí của các bệnh viện

Từ cuối năm 2016, tỉnh Tuyên Quang thực hiện khoán tự chủ tài chính ở các bệnh viện nhằm phát huy tính chủ động khai thác các nguồn thu, giảm áp lực chi của ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Rất ít người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Hoa.
Rất ít người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Hoa.

Để thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, giá dịch vụ đối với các đơn vị y tế, ngày 6-12-2016, HÐND tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HÐND quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020. Nghị quyết giao cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện trên địa bàn thực hiện cơ chế tự bảo đảm 100% chi thường xuyên. Nhưng ngay khi triển khai đã bộc lộ những bất cập.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, trong đó, hai huyện Na Hang và Lâm Bình là vùng đặc biệt khó khăn (nhiều xã ở các huyện khác trong tỉnh cũng được hưởng chế độ này). Ngành y tế Tuyên Quang có 14 bệnh viện trực thuộc gồm: năm bệnh viện tuyến tỉnh với 660 biên chế, 905 giường bệnh; chín bệnh viện tuyến huyện với 581 biên chế, 690 giường bệnh. Các bệnh viện chịu sự quản lý chuyên môn của Sở Y tế và chịu sự quản lý về tài chính, nhân sự của UBND cùng cấp. Dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng các bệnh viện còn thiếu bác sĩ có trình độ cao. Trong khi đó, mật độ dân số thấp, điều kiện kinh tế của người dân khó khăn, nhiều bệnh nhân chuyển tuyến... dẫn đến nguồn thu các bệnh viện đạt thấp. Hay như Bệnh viện Lao và bệnh phổi, do không có đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi việc thu dung và điều trị người mắc bệnh lao chủ yếu là người nghèo sống tại các vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn... cho nên khi thực hiện tự chủ kinh phí chi thường xuyên thì nguồn thu thấp, thu không đủ bù chi phí. Chính vì vậy, việc khoán tự chủ 100% đã gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bệnh viện đa khoa khu vực Yên Hoa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tám xã thượng huyện Na Hang. Những xã này đều nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 90% số dân, cho nên hầu hết đều được cấp thẻ BHYT. Triển khai tự chủ kinh phí chi thường xuyên trong hai năm 2017 và 2018 bệnh viện thu không đủ bù chi phí. Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Yên Hoa Nguyễn Văn Vinh cho biết, trang thiết bị được cấp với 27 máy móc, nhưng cơ bản đã cũ, đời máy quá sâu cho nên các nhà thầu không cung cấp được hóa chất sử dụng; những khoa người dân cần thì bệnh viện không có như khám sức khỏe cho người lao động; chụp Xquang thì không có bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cho nên không được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán... dẫn tới tình trạng người bệnh dù đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở đây nhưng phần nhiều đã đến các bệnh viện tuyến trên; do vậy công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 53% dẫn đến nguồn thu của bệnh viện đạt thấp. Năm 2017 so với số chi thì thiếu 700 triệu đồng, năm 2018 thiếu 650 triệu đồng; tình trạng chậm lương cán bộ diễn ra thường xuyên cho nên bệnh viện phải lấy tiền thuốc và vật tư y tế (lẽ ra phải trả cho các đơn vị cung cấp) để chi lương và các khoản chi khác.

Trung tâm y tế các huyện Na Hang, Lâm Bình hay Bệnh viện ATK (huyện Yên Sơn) cũng có chung cảnh ngộ. Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Na Hang Nông Văn Luân cho biết: Hai năm 2017 và 2018, so với số cần chi thì còn thiếu gần ba tỷ đồng, cho nên thường xuyên phải sử dụng tiền thuốc và vật tư y tế để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Biết là không đúng nhưng vẫn phải làm vì không thể nợ lương cán bộ lâu quá. Ngay như năm 2019, mãi tới tháng 6 mới chi lương tháng 4 và tháng 5, còn tháng 7 này thì... chưa có nguồn. Các khoản chi khác để bảo đảm hoạt động thường xuyên còn khó hơn nhiều và như vậy thì càng khó thu hút người bệnh cũng như "giữ chân" cán bộ có trình độ, tay nghề.

Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, triển khai kỹ thuật mới trong điều trị cho nên đã giảm tình trạng chuyển tuyến, vượt tuyến. Là bệnh viện hạng 2, năm 2018 được giao 300 giường bệnh (thực kê 350 giường), nhưng chỉ được giao 148 cán bộ, viên chức (tỷ lệ cán bộ/giường bệnh thấp hơn rất nhiều so với quy định). Ðiều bất cập là khi thu hút được nhiều người bệnh đến khám và điều trị, công suất sử dụng giường bệnh cao hơn kế hoạch nhưng lại không được thanh toán số tiền giường bệnh vượt so với kế hoạch đã giao. Do vậy, cán bộ, nhân viên làm việc nhiều mà không có thêm thu nhập. Bất cập này cũng là tình trạng chung của nhiều bệnh viện, trung tâm y tế những huyện vùng thấp, nơi điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn như: Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn... dẫn đến nhiều cán bộ, nhân viên chuyển công tác đến các cơ sở y tế có thu nhập cao hơn.

Lãnh đạo Sở Y tế Tuyên Quang cho biết, trước khi HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06, ngành y tế tỉnh đã có văn bản đề nghị không thực hiện ngay cơ chế tự bảo đảm 100% tài chính ở các bệnh viện mà tiến hành theo lộ trình. Sở Y tế Tuyên Quang cũng đề nghị hỗ trợ tiền lương, phụ cấp cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi, bệnh viện đa khoa các huyện Na Hang, Lâm Bình, Yên Hoa, ATK, Kim Xuyên vì đây là những bệnh viện đặc thù, bệnh viện ở vùng khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số... rất khó có nguồn thu.

Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang La Ðăng Tái cho biết, thời gian qua, việc giao biên chế cho các bệnh viện công chỉ đạt mức tối thiểu so với định mức trong quy định của Bộ Y tế. Các đơn vị được giao tự chủ tài chính nhưng không được tự chủ nguồn nhân lực cho nên việc bố trí lao động gặp rất nhiều khó khăn. Chế độ, chính sách khám, chữa bệnh trong thanh toán với BHXH còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ, cho nên phát sinh nhiều vướng mắc trong việc thanh, quyết toán không kịp thời, các cơ sở khám, chữa bệnh không có tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên; nợ tiền thuốc, tiền hóa chất, vật tư tiêu hao của các doanh nghiệp...

Những khó khăn, vướng mắc trong khoán tự chủ kinh phí của các bệnh viện ở Tuyên Quang cần sớm được tháo gỡ. Bên cạnh việc cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến huyện, cần có lộ trình từng năm để các bệnh viện dần thích nghi và đáp ứng điều kiện tự chủ kinh phí. Với những bệnh viện có thể tự chủ về kinh phí thì mạnh dạn khoán cho đơn vị tự chủ về công tác tổ chức để chủ động bố trí, sắp xếp nhân sự theo yêu cầu công việc, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.