Theo quy định về phòng, chống dịch, các trường hợp mắc Covid-19 phải được điều trị tại cơ sở y tế hoặc điều trị tại nhà (nếu triệu chứng nhẹ). Những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong trường hợp này thuộc diện được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, những người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau cũng được hưởng chế độ này.
Ðể được hưởng chế độ, người lao động phải đáp ứng điều kiện là có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
Trên thực tế, trong thời gian dịch Covid-19, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh nặng, điều trị nội trú đã được các cơ sở y tế thực hiện bảo đảm thuận lợi, đúng quy định. Mỗi tháng cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết chế độ ốm đau cho hàng trăm nghìn lượt người lao động đáp ứng đủ thủ tục này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít người lao động là F0 điều trị tại nhà hoặc phải nghỉ việc chăm con là F0 điều trị tại nhà không được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Có người được trạm y tế cấp xã cấp giấy, nhưng thời điểm xác nhận lại là ngày người lao động đến trạm (sau khi khỏi bệnh) để đề nghị cấp, không bảo đảm chính xác thời gian nghỉ ốm. Nhiều trường hợp điều trị tại các bệnh viện dã chiến cũng không được cấp giấy ra viện mà chỉ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành điều trị, cách ly… Căn cứ quy định, cơ quan được giao trách nhiệm thực hiện chính sách là bảo hiểm xã hội không thể giải quyết chế độ cho các trường hợp này. Bảo hiểm xã hội một số địa phương linh hoạt giải quyết cũng đã bị cơ quan quản lý “tuýt còi”!
Trước vướng mắc rất thực tế đó, từ tháng 6/2021 đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi 5 công văn báo cáo, đề nghị Bộ Y tế tháo gỡ; đồng thời đề xuất hướng xử lý. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời giữa tháng 1/2022, Bộ Y tế cho rằng đây là quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; Bộ cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành nghị quyết để giải quyết. Trong khi chờ ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định, việc thực hiện thủ tục vẫn phải đúng theo Thông tư 56/2017/TT-BYT!
Có thể thấy, việc chậm sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho người lao động cũng như cơ quan thực hiện chính sách. Dù ngành y tế một số địa phương đã có văn bản chỉ đạo các trạm y tế cấp xã cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy nghỉ ốm cho người lao động là F0 điều trị tại nhà để có căn cứ hưởng chế độ nhưng vẫn chưa thể giải quyết được hết những vướng mắc trong thực tế và cũng chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương.
Thực tế này đòi hỏi Bộ Y tế cần khẩn trương hơn nữa trong việc sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để sớm tháo gỡ vướng mắc trên, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, như ý kiến mới đây của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.