Tháo gỡ khó khăn trong quản lý hoạt động đăng kiểm

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, cả nước hiện có 277/297 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) với 459/549 dây chuyền kiểm định đang hoạt động với công suất kiểm định tối thiểu một tháng 660.960 phương tiện. Dự báo số ô-tô cần đăng kiểm sẽ tăng trở lại dịp cuối năm, trong khi việc phân bố mật độ của các TTĐK không đồng đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm định xe cơ giới tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. (Ảnh LÊ KHÁNH)
Kiểm định xe cơ giới tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. (Ảnh LÊ KHÁNH)

Số phương tiện kiểm định ngày càng tăng, mà tình trạng đăng kiểm viên, nhất là đăng kiểm viên bậc cao vẫn thiếu. Thậm chí, ở một số địa phương có TTĐK buộc phải đóng cửa vì không có lãnh đạo là đăng kiểm viên bậc cao đủ điều kiện ký giấy chứng nhận đăng kiểm. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi Quốc hội mới đây, trong chín tháng năm 2024, cả nước có 12 TTĐK bị đình chỉ hoạt động có thời hạn do vi phạm quy định về hoạt động kiểm định. Trước đó, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, công an các địa phương đồng loạt thực hiện các chuyên án điều tra, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng về công tác đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, hiện vẫn có tình trạng một số đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ gợi ý, xin tiền bồi dưỡng của chủ xe; gợi ý chủ xe phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong khi phương tiện vẫn có bảo hiểm... Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết, trong khi cả hệ thống đăng kiểm đang khắc phục các hạn chế, từng bước đổi mới, hoàn thiện để lấy lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp, các phản ánh nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kiểm định.

Tại một số TTĐK vẫn còn việc đăng kiểm viên thực hiện không thống nhất cùng một nội dung kiểm định phương tiện; bỏ sót hạng mục, nội dung kiểm tra trong quá trình kiểm định; cấp thời hạn kiểm định lần tiếp theo cho một số phương tiện không đúng quy định. Có một số đơn vị đăng kiểm đã tự ý thực hiện không đúng quy định nghiệm thu lại để cấp lại Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (giấy chứng nhận cải tạo) của xe đã có giấy chứng nhận cải tạo; đơn vị đăng kiểm không duy trì bộ phận giải quyết các công việc liên quan đến hồ sơ về kiểm định trong thời gian đơn vị ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định.

Giám đốc một TTĐK xe cơ giới tại Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại, trung tâm kiểm định từ 100 đến 120 xe/ngày, trong khi công suất của đơn vị khoảng 180 xe/ngày. Nhưng dịp cuối năm, các cơ sở kinh doanh ô-tô có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, cho nên người dân thường có nhu cầu mua ô-tô cao hơn thời điểm khác trong năm, đồng thời, số xe cần đăng kiểm thường tăng đột biến dịp cuối năm.

Năm 2024, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp cũng như liên tục tuyển dụng, kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định cho các đơn vị đăng kiểm; tăng cường công tác tập huấn, đánh giá bổ sung đăng kiểm viên mới, tập huấn nhân viên nghiệp vụ, đào tạo hơn 30 đợt đánh giá đăng kiểm viên để bù đắp cho sự thiếu hụt nêu trên. Tuy nhiên, đây là ngành nghề có đặc thù, để đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, một kỹ sư cơ khí muốn trở thành đăng kiểm viên đòi hỏi mất nhiều thời gian. Do đó, đến hết năm 2026, hệ thống đăng kiểm xe cơ giới vẫn chưa thể bù đắp được số đăng kiểm viên đã bị thiếu hụt trong thời gian vừa qua.

Để kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội, ngày 3/10, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 18/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8/6/2023. Theo đó, quy định không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ mà không cấm hành nghề; không tạm đình chỉ trong thời gian 3 tháng đối với các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ.

Quy định này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực cho các TTĐK, nhất là khi nhiều kiểm định viên bậc cao vẫn đang trong quá trình xét xử; đồng thời khắc phục khó khăn trong quản lý hoạt động đăng kiểm, việc thiếu hụt kiểm định viên nói chung và kiểm định viên bậc cao nói riêng. Đây cũng là giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc tại các TTĐK trong thời gian tới, giúp hệ thống đăng kiểm tránh bị đứt gãy, phục vụ nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, tránh thiệt hại không đáng có cho xã hội.

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến nghị, các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân thay đổi nhận thức về hoạt động kiểm định xe cơ giới, chủ động kiểm định xe sớm và linh hoạt tại các nơi chưa có tình trạng ùn ứ. Chủ phương tiện cần chủ động sửa chữa hư hỏng trước khi kiểm định, tra cứu và nộp phạt nguội để tạo thuận lợi cho việc kiểm định, tiết kiệm thời gian và chi phí khi đi đăng kiểm.