Tháo gỡ khó khăn tài chính cho ngành thể thao

Khi thể thao Việt Nam đứng trước nguy cơ không thể giành huy chương ở kỳ Olympic thứ hai liên tiếp sắp tới, những khó khăn của ngành đã được nhìn nhận, trong đó có yếu tố hết sức quan trọng là tài chính.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi tập luyện của đội tuyển điền kinh Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
Một buổi tập luyện của đội tuyển điền kinh Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)

Năm 2018, ngành thể thao nước ta triển khai chế độ tiền công cho vận động viên (VĐV) theo Quyết định 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 6/6/2011. Mức tiền công tính theo ngày trong thời gian tập huấn, thi đấu, cộng dồn cả tháng của mỗi VĐV có mức trung bình khoảng 3,6 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, số tiền này đã được nâng lên, nhưng với mức tiền công từ bảy đến tám triệu đồng/tháng mà mỗi VĐV ở cấp độ đội tuyển quốc gia được hưởng vẫn là quá thấp, không đủ để thu hút các tài năng cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

Theo Nghị định 152/2018/NĐ-CP (ngày 7/11/2018) quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên (HLV), VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu hiện đang được áp dụng, lương trung bình của HLV đội tuyển quốc gia vào khoảng 13,1 triệu đồng/người/tháng, HLV đội tuyển trẻ quốc gia được hưởng 9,7 triệu đồng/người/tháng.Với VĐV đội tuyển quốc gia, họ được hưởng lương 270.000 đồng/người/ngày không tính ngày nghỉ. Những VĐV được đánh giá là có khả năng giành Huy chương vàng ở đẳng cấp thế giới và châu lục cũng chỉ được nhận mức lương tương tự các VĐV khác đang tập huấn ở các đội tuyển quốc gia mà không có sự phân biệt.

Về tiền ăn, theo Thông tư 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, VĐV đội tuyển quốc gia được hưởng chế độ tiền ăn 320.000 đồng/người/ngày. Khi các VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games, Asiad, Olympic sẽ được hưởng chế độ tiền ăn 480.000 đồng/người/ngày, trong thời gian không quá 90 ngày. VĐV có khả năng giành Huy chương vàng ASIAD, Olympic trẻ và đạt chuẩn tham dự Olympic sẽ được hưởng chế độ ăn 640.000 đồng/người/ngày. Số tiền này bao gồm toàn bộ tiền ăn, nước uống, thực phẩm chức năng...

Không chỉ như vậy, hiện nay toàn bộ các giải thi đấu ở cấp quốc gia vẫn áp dụng chế độ tài chính rất thấp theo Thông tư liên tịch 200/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL ban hành từ năm 2011, quy định tiền ăn trong quá trình tổ chức giải cho các đối tượng được quy định không quá 150.000 đồng/người/ngày. Với các đối tượng thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được bảo đảm chế độ chi tiền ăn trong thời gian tham dự giải thi đấu thể thao sẽ không được thanh toán phụ cấp tiền lưu trú công tác phí theo quy định tại chế độ công tác phí hiện hành trong thời gian tham dự giải thi đấu thể thao.

Tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ cũng được quy định: Ban chỉ đạo, ban tổ chức, trưởng, phó trưởng các tiểu ban chuyên môn không quá 120.000 đồng/người/ngày; thành viên các tiểu ban chuyên môn không quá 100.000 đồng/người/ngày; giám sát, trọng tài chính không quá 85.000 đồng/người/buổi; thư ký, trọng tài khác không quá 60.000 đồng/người/buổi; công an, y tế, nhân viên phục vụ… không quá 50.000 đồng/người/buổi.

Số tiền theo các mức nêu trên bị xem là đã quá lạc hậu khiến các cá nhân, tập thể của ngành thể thao rất khó có động lực nâng cao thành tích. Để vươn tầm trình độ Olympic, các VĐV còn gặp khó khăn khi cơ sở vật chất phục vụ tập luyện đều không đủ tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi trình độ của các HLV Việt Nam còn những hạn chế nhất định thì việc thuê chuyên gia nước ngoài cũng gặp rất nhiều trở ngại vì quy định về tiền lương. Thí dụ như môn cử tạ được xem là thế mạnh của Việt Nam, song chưa tìm được chuyên gia giỏi vì mức lương khoảng 7.000 USD/tháng hiện nay không thu hút được nhân tài.

Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt cho biết: “Ngành thể thao đang mong chờ sự đột phá về cơ chế tài chính nhưng cũng không thể tự điều chỉnh mà phải có thay đổi về Luật thì các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ triển khai”. Với quá nhiều vướng mắc như vậy, để có thể “cởi trói” về tài chính cho thể thao Việt Nam có lẽ còn phải chờ rất lâu, trong khi công tác đào tạo và thi đấu trong điều kiện khó khăn như hiện tại thì rất khó để VĐV Việt Nam có thể nâng cao thành tích, vươn tầm ở các đấu trường quốc tế lớn.