Tháo gỡ khó khăn cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp

Khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Rất nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng bắt nhịp, nắm bắt cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các bạn trẻ còn nhiều trăn trở, băn khoăn và mong muốn được các sở, ban, ngành, chính quyền thành phố dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ, nhất là về vốn, chính sách đào tạo, cơ hội việc làm…
0:00 / 0:00
0:00
Không gian triển lãm sản phẩm đổi mới sáng tạo của Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Không gian triển lãm sản phẩm đổi mới sáng tạo của Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh với cộng đồng đoàn viên, thanh niên Thủ đô vừa qua, các bạn trẻ đã mạnh dạn bày tỏ, trao đổi về những vấn đề, khó khăn trong quá trình lập nghiệp. Ðoàn viên Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Giải pháp công nghệ CNC Tech chia sẻ: Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Ðẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025" và Quyết định 4889 phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2019-2025" của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã nêu các hạng mục hỗ trợ không gian khởi nghiệp và các start-up vận hành trong các không gian đó. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để nguồn lực này đến được với các trường học và các start-up công nghệ. Do đó, cộng đồng thanh niên đề nghị thành phố sớm nghiên cứu cơ chế để các Quỹ đầu tư phát huy hiệu quả, tạo sức hút đối với các doanh nghiệp công nghệ số".

Cũng trăn trở về nguồn vốn, đoàn viên Nguyễn Văn Biển, Bí thư Ðoàn xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) băn khoăn: "Những năm qua, nguồn vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã hỗ trợ rất tốt, kịp thời nhu cầu giải quyết việc làm cho thanh niên. Qua khảo sát, hiện tại nhiều thanh niên đang có nhu cầu vay vốn đi học, đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, theo quy định thì họ phải thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, dẫn đến việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này".

Bên cạnh vốn, nhiều bạn trẻ cũng trăn trở về công tác đào tạo, định hướng để thanh niên có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay. Ðoàn viên Trần Tuấn Dương, Bí thư Ðoàn Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông bày tỏ: "Với sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ không còn là yếu tố lợi thế trong cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, những lao động chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có việc làm hoặc không tìm được công việc có mức thu nhập cao". Bí thư Ðoàn Thanh niên phường Ðồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) Ðàm Mỹ Phượng thì cho biết: "Như nhiều thanh niên, sinh viên khác, tôi hiện cũng đang kinh doanh thực phẩm trên nền tảng mạng xã hội, sử dụng công cụ livestream để bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chủ yếu mang tính tự phát, tự mày mò chứ chưa được thành phố hoặc các nhà trường định hướng, hỗ trợ, đào tạo bài bản".

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Lê Văn Quân, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trong đó hỗ trợ tất cả các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, cả cơ sở của tư nhân và cơ sở tại các trường đại học, tối đa 200 triệu đồng/cơ sở. Các bạn trẻ có nhu cầu, đủ điều kiện thành lập vườn ươm, có thể liên hệ với Sở Kế hoạch và Ðầu tư để được hỗ trợ các thủ tục. Còn về nhu cầu vay vốn lập nghiệp của thanh niên, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, thành phố đã thực hiện hai cơ chế cho vay đi học và đi xuất khẩu lao động, chủ yếu phục vụ các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hai chương trình này đang giảm dần dư nợ. Sở sẽ đề nghị thành phố giao các sở cùng nghiên cứu, rà soát nhu cầu, đối tượng để có thể mở rộng đối tượng được tiếp cận vốn vay, bổ sung nguồn vốn để đoàn viên, thanh niên được tiếp cận tốt hơn nữa.

Về các chính sách hỗ trợ đào tạo, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết: "Hiện nay thành phố đang triển khai chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho sáu nhóm đối tượng gồm: Thứ nhất, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề dưới ba tháng cho thanh niên nông thôn, trong đó có hỗ trợ tiền ăn, đi lại; Thứ hai, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho những người bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng; Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; Thứ tư, hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thứ năm, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh Trung học phổ thông khi chuyển sang học nghề và thứ sáu, hỗ trợ các đối tượng sau thi hành án trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng".

Chia sẻ với các bạn trẻ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: "Các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm đến các vấn đề việc làm, thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhiệm vụ của lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố là phải quan tâm đến việc chuyển hướng tư duy đào tạo ngành nghề có lợi thế, nhà trường chuyển sang đào tạo nguồn nhân lực xã hội cần. Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục có các chủ trương, chính sách đặc thù, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên từng bước tham gia vào quá trình khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số. Lãnh đạo thành phố luôn mong muốn được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ những khó khăn của các bạn thanh niên, qua đó, có giải pháp phù hợp để có thể giải quyết cơ bản những mong muốn, trăn trở của đoàn viên, thanh niên Thủ đô".