Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và kiểm định thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

NDO - Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam (VFRA) vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C07) - Bộ Công an tổ chức thành công Hội thảo “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và kiểm định phương tiện, thiết bị Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ” với hình thức trực tiếp, kết nối hơn 80 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và kiểm định phương tiện, thiết bị Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cùng lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ của C07 đã trực tiếp giải đáp các vướng mắc mà các doanh nghiệp trình bày tại hội thảo.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cùng lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ của C07 đã trực tiếp giải đáp các vướng mắc mà các doanh nghiệp trình bày tại hội thảo.

Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất có pháp nhân chính thức hoạt động trong lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên phạm vi toàn quốc, một trong ba nhóm nhiệm vụ chính của Hiệp hội là tập hợp, quy tụ, hỗ trợ bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về chính sách, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tại Việt Nam nói chung.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam cho biết, hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Kiểm định và sản xuất lắp ráp phương tiện thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Qua đó, lãnh đạo Cục và đại diện các đơn vị thuộc Cục sẽ trực tiếp lắng nghe và đưa ra các ý kiến giải đáp, định hướng cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ sắp được Quốc hội thông qua sẽ có nhiều nội dung điều chỉnh, sửa đổi lớn.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp hội viên trình bày các khó khăn phát sinh từ thực tế sản xuất kinh doanh và các đề xuất, kiến nghị để Lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ và Hiệp hội cùng trao đổi, giải đáp, thảo luận, liên quan đến chính sách thuế; các vấn đề liên quan đến thủ tục xuất-nhập khẩu, tiếp cận các thị trường trong nước và xuất khẩu; các vấn đề liên quan đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn; kiểm định… đối với thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu; các vấn đề liên quan đến thị trường trong nước (bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; chống hàng giả, hàng kém chất lượng, v.v…); các vấn đề khác.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cùng lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ của C07 đã trực tiếp giải đáp các vướng mắc mà các doanh nghiệp trình bày tại hội thảo. Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khương cũng chia sẻ về những vi phạm, tồn tại cần xử lý, điều chỉnh trong thời gian vừa qua đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy trên cả nước.

Đối với các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc cụ thể và đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp đã nêu nhưng chưa có thời gian giải đáp, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam sẽ tập hợp và phối hợp Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ nghiên cứu, trả lời bằng văn bản tới các đơn vị, doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và kiểm định thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ảnh 1

Nhiều câu hỏi được đặt ra tại hội thảo.

Kết thúc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ phát biểu ý kiến chỉ đạo đối với hoạt động của các doanh nghiệp kiểm định và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp.

Cục trưởng yêu cầu các doanh nghiệp kiểm định phải thực hiện công tác kiểm định phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thực sự nghiêm túc tại tất cả các khâu của quy trình kiểm định, bảo đảm chất lượng công tác kiểm định: “Công tác kiểm định đã được xã hội hóa, được giao cho các doanh nghiệp thực hiện nên yêu cầu các doanh nghiệp kiểm định phải thực hiện hết sức nghiêm túc, từ khâu niêm phong, khâu kiểm định, đến khâu tháo niêm phong”.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh yêu cầu các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả chữa cháy của phương tiện, thiết bị mà doanh nghiệp sản xuất ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cần kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam đấu tranh chống hàng giả trên thị trường thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Về công tác quản lý nhà nước, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ sẽ có các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định đối với các doanh nghiệp trong nhóm này để bảo đảm chấp hành quy định pháp luật. Mọi hành vi vi phạm tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.