Tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực phục hồi kinh tế

NDO -

Xoay quanh câu chuyện bảo đảm an sinh xã hội được các chuyên gia quốc tế và nhà quản lý lãnh đạo bộ, ngành nêu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường liên hệ thực tiễn về nguồn cung lao động tại Đồng Nai - địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Đồng chí Quản Minh Cường chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững tại điểm cầu Đồng Nai.
Đồng chí Quản Minh Cường chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững tại điểm cầu Đồng Nai.

Phóng viên: Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, Đồng Nai là một trong bốn địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước, vậy công tác bảo đảm an sinh xã hội đã được thực hiện như thế nào?

Ông Quản Minh Cường: Đợt dịch bệnh lần thứ tư đã gây ra hậu quả cho Đồng Nai hết sức nặng nề. Đặc biệt, việc phải tiến hành phong tỏa trên diện rộng trong vòng hơn 3 tháng khiến quá trình sản xuất đình trệ, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch.

Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát một cách hiệu quả, số ca nhiễm ngày càng giảm dần. Hiện cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất gần như hoàn toàn, đời sống mọi mặt của người dân trở lại gần như bình thường, dù còn rất nhiều khó khăn.

Mục tiêu đầu tiên của Đảng, Nhà nước là phải bảo đảm cuộc sống bình thường cho người dân lao động. Tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 3 triệu người, trong đó khoảng 1,2 triệu công nhân. Vì vậy, việc bảo đảm an sinh xã hội là rất quan trọng.

Riêng 4 tháng qua, từ ngân sách tỉnh chi cho công tác an sinh xã hội, cứu trợ người lao động là hơn 7 nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể khoảng 1 nghìn tỷ đồng từ nguồn vận động của các nhà hảo tâm thông qua hệ thống mặt trận các cấp. Phải nói đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn bảo đảm an sinh xã hội.

Có thể khẳng định, về cơ bản không có người dân nào bị đói, không trường hợp nào có hoàn cảnh quá khó khăn không được giúp đỡ dẫn đến hậu quả xấu. Tất nhiên, thẳng thắn nhìn nhận cũng có vài người dân chưa được chu cấp lương thực, thực phẩm kịp thời hoặc có trường hợp chỉ được nhận gạo không được nhận tiền mặt để chi tiêu các việc cấp thiết khác.

Trong khốn khó, việc nhận được sự giúp đỡ kịp thời đã củng cố thêm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền. Hiện, bước vào giai đoạn thích ứng an toàn kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, người lao động phấn khởi tích cực lao động sản xuất, góp phần đạt mục tiêu kinh tế-xã hội địa phương đề ra trong năm 2021.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực phục hồi kinh tế -0

Đồng chí Quản Minh Cường trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân.

Phóng viên: Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu người lao động, trong đó hơn 70% ở trọ, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Dịch bùng phát kéo dài rất nhiều người đã tạm thời về quê, vậy để thu hút người lao động trở lại bảo đảm nguồn nhân lực phục hồi kinh tế, tỉnh Đồng Nai đã và đang có những biện pháp như thế nào?

Ông Quản Minh Cường: Đây là vấn đề hiện tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn và dự báo còn kéo dài là, số lượng lao động Đồng Nai quá đông, nhưng chủ yếu là lao động thủ công. Sau những tháng cao điểm dịch vừa qua một số lượng lớn người lao động đã quay về quê, hiện tại nhiều người vẫn chưa quay trở lại.

Trong khi đó, một số vẫn ở Đồng Nai nhưng do dịch bệnh lúc thì F0, khi F1, có nhiều trường hợp phải ở nhà chăm con do trường học chưa mở cửa trở lại. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng, đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực và suy cho cùng không có lao động, không thể sản xuất được. Bây giờ muốn bảo đảm nguồn nhân lực không thể nói một hai câu được, mà phải huy động rất nhiều biện pháp.

Đầu tiên doanh nghiệp phải chủ động cải tiến lại quá trình, quy trình sản xuất để áp dụng khoa học công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất, hạn chế tối đa số lượng người lao động. Cùng với đó, phải có chính sách khuyến khích người lao động như tăng lương, bảo trợ xã hội để người lao động tự động từ các tỉnh quay trở lại.

Ngành chức năng của tỉnh cũng phải có chính sách như chi ra khoản tiền để hỗ trợ người lao động trở lại hoặc giãn thuế, giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp giảm thấp nhất chi phí sản xuất, khi đó họ mới có thêm điều kiện huy động lao động quay trở lại.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục động viên người lao động tích cực trở lại lao động, vì thực tế có nhiều trường hợp đã biểu hiện, thà nghèo một tý, khổ một tý không đi làm nữa, cứ ở quê hoặc ở Đồng Nai nhưng không đến nhà máy.

Phóng viên: Đó dường như là các giải pháp mang tính tình thế, còn về lâu dài, theo ông đâu là những vấn đề căn cơ cần phải thực hiện?

Ông Quản Minh Cường: Về lâu dài cần có một chiến lược nhà ở cho công nhân, vì thực tế dịch bệnh vừa qua người lao động ở các khu trọ chật chội, lây lan nhanh và rất khó kiểm soát.

Tỉnh Đồng Nai đã đặt ra mục tiêu với khoảng 200 nghìn căn hộ đạt tiêu chuẩn mới đủ đáp ứng cho khoảng 800 nghìn người ở trọ. Đây là một bài toán vô cùng nan giải, không thể làm được trong ngày một, ngày hai. Ngoài ra, khi phát triển khu công nghiệp đi liền với phát triển đô thị quy hoạch hạ tầng đồng bộ, nhất là nhà ở, giao thông, trường học, nếu không làm được sẽ cản trở sự phát triển.

Giai đoạn tới, việc phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai sẽ ưu tiên chọn ngành nghề sử dụng ít lao động, áp dụng nhiều kinh tế tri thức, không nhất thiết phải tăng về dân số, mà phải tăng hàm lượng về khoa học công nghệ, chất xám trong quá trình sản xuất.    

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Về lao động việc làm, cần phân bổ nguồn lực hợp lý, quan tâm tới chính sách an sinh xã hội, ưu tiên khôi phục lại thị trường lao động, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy thị trường lao động, thiếu lao động…

Cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thị trường đối với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề như lao động nữ, lao động trẻ, đầu tư vào các chính sách thị trường lao động chủ động, tăng cường an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, xây dựng cơ chế và quy trình đối thoại, phản ánh tiếng nói của những đối tượng bị ảnh hưởng nhất. Nghiên cứu tiền hỗ trợ tiền thuê nhà của lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu vực kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kết luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội, gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, trong đó gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244 nghìn tỷ đồng cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết. Tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công...

PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam