Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

Hoạt động đầu tư công hiện không chỉ vướng mắc ở những điểm nghẽn cố hữu đến từ công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, năng lực của các bên tham gia dự án đầu tư… mà còn xuất hiện những khó khăn mang tính chất đặc thù của thời điểm giao thoa giữa hai kỳ kế hoạch, chiến lược và đặc biệt là biến động giá vật liệu xây dựng.
Thi công tuyến đường cao tốc đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh ĐỨC ANH)
Thi công tuyến đường cao tốc đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh ĐỨC ANH)

Nửa đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với con số thường đạt được khoảng 29%-33% của thực tế giải ngân cùng kỳ các năm giai đoạn 2016-2021.

Nhận diện khó khăn mới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 30/6, có 39 trong tổng số 51 bộ, ngành và sáu trong tổng số 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó có 25 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch, bốn cơ quan Trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn, gồm Viện Khoa học xã hội, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam. Ngược lại, có ba cơ quan Trung ương và 20 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 40% như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tỷ lệ giải ngân 71,55%), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (49,42%), Phú Thọ (59,52%), Ninh Bình (55,95%)...

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhưng chưa giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án còn lại khá lớn, lên đến hơn 106 nghìn tỷ đồng (tương đương 10% tổng số vốn đã phân bổ). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án trước tháng 11/2022 để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hoàn thành việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn trong năm 2022 vì đã bước sang năm thứ hai của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đáng lưu ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ quý IV/2020 đến nay, nhiều loại nguyên liệu, vật liệu có biến động giá lớn, làm tăng giá thành xây lắp từ 18% đến 30%. Tuy nhiên, các địa phương rất chậm trễ trong việc công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng. Trong thực tế, nhiều địa phương công bố cách đây sáu tháng, khiến doanh nghiệp rất khó khăn, không thể điều chỉnh đơn giá hợp đồng, dẫn đến tình trạng càng làm càng lỗ, phải dừng thi công hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn dự án. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng lao động cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu nhân công sau đại dịch Covid-19.

Ngoài những nguyên nhân mới nảy sinh, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng còn do những khó khăn cố hữu chưa được khắc phục triệt để. Đó là vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, đơn giá đền bù; chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Công tác lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn hạn chế; quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án chưa tuân thủ đúng quy trình; thể chế liên quan đến đầu tư công chưa đồng bộ...

Công bố chỉ số giá vật liệu theo tháng

Đặc thù của hoạt động đầu tư công là những tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân thường đạt mức thấp và có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và trong dài hạn, do đó cần quyết liệt tháo gỡ những điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Để nhanh chóng khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng cuối năm. Theo đó, cần phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án; thực hiện luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi, điều chỉnh dự án. Đối với điểm nghẽn về tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Bộ Xây dựng cần khẩn trương hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND hoặc Sở Xây dựng cấp tỉnh) công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng, phù hợp diễn biến thị trường. Phối hợp, đôn đốc các địa phương thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để điều chỉnh dự toán, hợp đồng của các nhiệm vụ, dự án theo quy định. Cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương trong sáu tháng cuối năm.

Nhận định giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2022 có thể đạt khoảng 95% kế hoạch năm, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án công trình, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ.

Tạo điều kiện cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các dự án, công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của đơn vị thi công. Đồng thời thực hiện rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm thực hiện sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Có thể bạn quan tâm