Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho giáo dục-đào tạo vùng

Là đầu tàu kinh tế-xã hội của cả nước, vùng Đông Nam Bộ cũng đạt được kết quả quan trọng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Các địa phương trong vùng đang tập trung nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Thực hành của sinh viên Khoa kỹ thuật Trường đại học Quốc tế Miền Đông tại tỉnh Bình Dương.
Thực hành của sinh viên Khoa kỹ thuật Trường đại học Quốc tế Miền Đông tại tỉnh Bình Dương.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển, các địa phương vùng Đông Nam Bộ phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến hạn chế nhằm có giải pháp giúp vùng phát triển bền vững.

Thực tế chưa xứng với tiềm năng

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và năm tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh với dân số hơn 18,72 triệu người (không kể số người tạm trú lâu dài).

Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm của cả nước.

Thời gian qua, giáo dục và đào tạo của vùng đạt được kết quả quan trọng; quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng và cả nước.

Chỉ ra những bất cập, hạn chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ toàn vùng đứng thứ ba trong sáu vùng kinh tế-xã hội; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đứng thứ năm trong sáu vùng kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng dân số cơ học của vùng, nhất là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục.

Tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp của vùng cao nhất cả nước, đặc biệt tỷ lệ học/trường cấp trung học cơ sở cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tại vùng Đông Nam Bộ vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước và thấp nhất trong sáu vùng kinh tế-xã hội...

Tính đến nay, toàn vùng Đông Nam Bộ có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; có 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bình quân hằng năm, vùng có hơn 70.000 sinh viên và 6.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng.

Thành phố Hồ Chí Minh dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỷ đồng/năm; hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy-học tiên tiến, hiện đại.

Tuy nhiên áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số lượng học sinh hằng năm tăng nhanh; số trường và số phòng học chưa đủ để bảo đảm 100% học sinh được học 2 buổi/ngày; chỉ tiêu về diện tích đất/học sinh không đủ định mức tối thiểu theo quy định. Nhiều trường có sĩ số học sinh các lớp cao, do đó việc triển khai giáo dục toàn diện, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm gặp nhiều khó khăn.

Có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm đứng trong tốp đầu cả nước, tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 100%, tuy nhiên tỉnh Bình Dương cũng có những trở ngại nhất định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ, với tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm của tỉnh cao, hiện hơn 53,5% trên tổng số gần 2,8 triệu dân của tỉnh là người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc, học tập chủ yếu tập trung ở các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp và có tốc độ đô thị hóa cao.

Điều này tạo áp lực trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục, nhiều đơn vị, trường học có sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với quy định; nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học và tình trạng thiếu giáo viên... đã ảnh hưởng việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh những khó khăn tương đồng như Bình Dương nêu trên, tại tỉnh Đồng Nai, tuy công tác xã hội hóa giáo dục đã thực hiện tốt nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương, cá biệt có địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội tốt nhưng vẫn chưa huy động được xã hội hóa giáo dục ở bậc trung học phổ thông; tỷ lệ trẻ mầm non ngoài công lập tuy cao nhưng huy động ra các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập còn chiếm tỷ lệ lớn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh chia sẻ, vấn đề của giáo dục hiện nay của tỉnh là thiếu cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị; thiếu giáo viên, còn nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn, chưa cân đối về cơ cấu; chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư để phát triển giáo dục ngoài công lập; chưa có trường đại học đóng trên địa bàn...

Vì thế, tỉnh cần xem xét tinh giản biên chế giáo dục; chế độ chính sách đãi ngộ cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non đang công tác ở vùng sâu vùng xa; chế độ ưu tiên cho học sinh khó khăn về tiếp cận sách giáo khoa mới...

Khơi thông “điểm nghẽn”

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, vùng Đông Nam Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

Để đạt được mục tiêu này, các tỉnh, thành phố trong vùng cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng giáo dục các cấp học; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.

Nhằm phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, địa phương đang tập trung vào 5 giải pháp, bao gồm:

  1. Thực hiện quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển giáo dục và đào tạo bảo đảm bao quát, phù hợp với thực tiễn và khả thi;
  2. Bảo đảm quy hoạch quỹ đất cho phát triển giáo dục và đào tạo;
  3. Thực hiện hiệu quả các chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên;
  4. Tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập;
  5. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Tỉnh kiến nghị các bộ, ngành xem xét, tham mưu không tinh giản biên chế ngành giáo dục, đặc biệt đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm bảo đảm đội ngũ đáp ứng nhu cầu học sinh tăng hằng năm rất cao.

Chia sẻ về mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển và chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục.

Thành phố tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học; phát huy hiệu quả trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, 100% trường học trên địa bàn thành phố phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.

Thành phố sẽ xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ, đạt chuẩn nghề nghiệp...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm, chú trọng giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển toàn diện con người Việt Nam thích ứng với thời đại và hội nhập quốc tế. Các địa phương chú ý giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng trong giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng ở tất cả cấp học; lựa chọn một số lĩnh vực, địa bàn tập trung xây dựng phát triển giáo dục, đào tạo ở đẳng cấp khu vực và quốc tế.